![]() |
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt |
* Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu Fonklor Brâu, ông đánh giá thế nào về chiêng Tha trong đời sống tinh thần của họ?
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Chiêng Tha trong tâm linh Brâu như vật thiêng, vật tổ. Người Brâu không có từ đánh chiêng Tha mà là “mời Tha nói”, một thủ tục rất khắt khe. Chiêng Tha chỉ tham gia phần lễ đơn thuần, không mang Tha vào hội. Về giá trị vật chất đơn thuần, ngày xưa bà con cho biết mua một bộ chiêng mất 40- 50 con trâu. Trên thực tế cách đây 4 năm Bảo tàng Kon Tum có mua 1 bộ chiêng trị giá hơn 3 cây vàng của ông A Lem.
Tỉnh Kon Tum có 30 loại chiêng của 20 nhóm dân tộc, mỗi nhóm có chiêng cổ truyền, chiêng thiêng. Tùy lễ nào mới đem chiêng thiêng ra đánh, không phải lúc nào cũng đánh được. Theo tôi, giá trị của chiêng Tha là giá trị tâm linh ấp ủ trong vật chất đó.
* Ông nói chiêng Tha chỉ sử dụng ở những lễ trọng, vậy những lễ nào họ mới mời Tha về?
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Truyền thống thì nó như thế, song từ năm 1993 khi phát hiện chiêng Tha tôi đã làm việc với làng và lần đầu tiên đưa chiêng Tha ra khỏi làng, ra mắt công chúng cả nước tại lễ hội cồng chiêng và đua voi ở Đak Lak. Tôi xây dựng hồ sơ khoa học cho chiêng Tha, được Giáo sư Tô Vũ, Giáo sư Tô Ngọc Thanh và Thứ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó là ông Nông Quốc Chấn đánh giá rất cao về việc chiêng Tha tham gia vào gia đình cồng chiêng quốc gia. Bây giờ việc chiêng Tha sử dụng bớt phần long trọng đi nhiều, song chiêng Tha chỉ tham gia phần lễ, sau đó dành cho chiêng Man, chiêng Goong. Chiêng Tha dù chưa đi ra khỏi nước song thang âm của nó vượt khỏi lãnh thổ quốc gia, đã có nhiều đoàn quốc tế đến nghiên cứu, ghi âm.
![]() |
Biểu diễn chiêng Tha của người Brâu. |
* Ông có thể nói sâu thêm về khả năng âm nhạc của chiêng Tha.
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Đã có hai ba hội thảo quốc gia về chiêng Tha. Chức năng đầu tiên của âm nhạc là thông tin, để thông tin hấp dẫn dần dần mới có tiết tấu, giai điệu. Giáo sư Tô Vũ cho rằng chức năng thông tin là chức năng cổ nhất của âm nhạc, chiêng Tha chỉ có chức năng thông tin mà không có giai điệu. Chiêng Tha là một trong những nhạc cụ cổ nhất mà đến nay vẫn có đời sống riêng của nó. Khả năng truyền tải thông tin chiêng Tha còn kỹ đến mức nghe chiêng biết khách tốt hay xấu. Như trống đôi của người Chăm vậy.
* Chiêng Tha là vật lễ, vậy vai trò già làng thế nào khi sử dụng?
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Người mời chiêng Tha có thể già làng cũng có thể không phải già làng, người mời chiêng Tha là chủ lễ, là người được cả làng tôn vinh, kính trọng, bản thân người đó phải hiểu sâu sắc phong tục, là người quyết định trong lễ đó. Chủ lễ cắt cổ con gà để lấy máu xoa vào lòng chiêng, rút rượu đầu ghè ra cho chiêng uống, khấn thần linh bốn phương mời Tha nói. Xong rồi 2 nghệ nhân mới vào ngồi đối mặt nhau để mời Tha lên tiếng. Khi chiêng Tha nổi lên một hai bài sau đó các chiêng khác mới vào cuộc.
* Những năm vừa qua, người ta rất lo lắng về tình trạng “chảy máu cồng chiêng”. Sắp tới nếu không bảo tồn tốt người Brâu có thể bán chiêng Tha lắm!
Nhạc sĩ Phạm Cao Đạt: Tôi trăn trở nhiều về vấn đề sở hữu cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên. Sắp tới nếu có hội thảo khoa học tôi sẽ có tham luận về vấn đề này. Không gian văn hóa cồng chiêng nó rộng lớn tất cả, song vấn đề sở hữu cồng chiêng như thế nào trong di sản này? Nhà nước chưa có đầu tư gì cả! Nhà nước chỉ công nhận không gian đấy thôi, chưa đầu tư gì trong đấy. Chiêng họ mua sắm được, là tài sản riêng của họ, làm thế nào để họ tự hào, giữ lại, không bán đi chứ không thể cấm họ mua bán đổi chác vì đó là tài sản của họ. Như mình có xe máy vậy. Tại sao lấy quyền cấm người ta mua bán. Chúng ta thống kê lên danh sách rồi làm việc vô lý là bắt họ phải giữ mà không cho họ trao đổi. Ấy là điều cực kỳ vô lý, tôi nghĩ như thế!
* Xin cảm ơn ông!
Huỳnh Kiên (thực hiện)