(GLO)- Tôi sống ở TP. Pleiku, ngày ngày đi qua con đường mang tên Lương Thạnh. Cuộc sống cứ trôi. Dòng người không ngừng vận động… Bỗng một hôm lòng tôi chợt hỏi: “Lương Thạnh là ai”? Thật không dễ tìm ngay được câu trả lời, dù đã hỏi vài người sống trên con phố ấy. Mãi đến một hôm, khi đến thăm ông Ngô Sĩ-một cựu tù chính trị, được ông giải thích: “Ông Lương Thạnh chính là Bí thư chi bộ Lê Hồng Phong-một chi bộ được thành lập bí mật tại Nhà tù Côn Đảo.
Đồng chí Lương Thạnh (1915-1972). |
Ông là người tích cực vận động thành lập tổ chức Đảng ngay dưới nanh vuốt kẻ thù. Chi bộ đã trực tiếp lãnh đạo tù chính trị đấu tranh không chỉ ở Lao I, mà rộng hơn cả Nhà tù Côn Đảo từ năm 1963 đến 1969. Tôi tìm đọc cuốn “Chi bộ Lê Hồng Phong, Lao I-Nhà tù Côn đảo” do Nhà Xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 2005. Cuốn sách là tập hợp những lời kể chân thật của những người trong cuộc. Chân dung của ông Lương Thạnh và những đồng chí của ông trong ngục, dần dần hiện lên trong tôi: họ là những đảng viên Cộng sản kiên trung, dũng cảm một lòng vì lý tưởng mà Bác Hồ đã chọn, là “Vàng mười trong địa ngục trần gian”.
Thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong
Đọc hết cuốn “Chi bộ Lê Hồng Phong, Lao I-Nhà tù Côn đảo”, tôi hiểu thêm như thế nào là sự ác độc, dã man của nhà tù dưới thời Mỹ-Ngụy. Nhưng trên hết là khâm phục những đảng viên Cộng sản. Trong môi trường bị tù đày, họ đã chứng minh: ở đâu có đảng viên, ở đó có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Sự ra đời của Chi bộ Lê Hồng Phong là một điển hình về sức chiến đấu, sáng tạo của đảng viên và tổ chức Đảng, một Đảng vì quyền lợi của giai cấp và dân tộc.
Ngay từ năm 1930, nghĩa là khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì ở Nhà tù Côn Đảo các chiến sĩ Cộng sản bị giam cầm ở đây đã thành lập được tổ chức cơ sở Đảng. Vai trò của tổ chức Đảng luôn được xác định và giành vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh trong nhà tù. Đó là: Chi bộ Đặc biệt (1930-1935); Đảng ủy Côn Đảo (1952-1954); Chi bộ Lê Hồng Phong (1963-1969) và Đảng bộ Lưu Chí Hiếu (1972-1975).
Đường Lương Thạnh ở TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Sự ra đời của Chi bộ Lê Hồng Phong tại Nhà tù Côn Đảo là sự tiếp nối truyền thống của công tác Đảng trong nhà tù của Đảng ta. Địch luôn chia cắt, phá ta về tổ chức, hạ uy tín của Đảng; với nhiều âm mưu, thủ đoạn: tra tấn và dụ dỗ, mua chuộc, thực hiện chế độ khắc nghiệt… để làm nhụt ý chí tù chính trị như “ly khai Đảng” hay “chào cờ ba que”, thì những đảng viên trong tù lại luôn đoàn kết sáng tạo, khôi phục và duy trì được tổ chức Đảng, vẫn bí mật lãnh đạo phong trào trong nhà tù: giữ vững khí tiết của người Cộng sản. Với sự chuẩn bị chu đáo về chính trị và tư tưởng, ngày 1-5-1963, tại phòng 4-Lao I, Chi bộ Lê Hồng Phong ra đời gồm 7 đảng viên do đồng chí Lương Thạnh làm Bí thư, Đặng Ngọc Cảnh làm Phó Bí thư (ông Đỗ Hằng là một trong 7 đảng viên ngày chi bộ thành lập-N.V).
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Lê Hồng Phong, tù chính trị ở Côn Đảo đã đấu tranh với nhiều hình thức như: đưa ra yêu sách, tuyệt thực, tố cáo sự hà khắc của chế độ nhà tù thực dân, đòi quyền lợi dân sinh… và luôn giành được thắng lợi, làm thất bại âm mưu của kẻ địch, giữ vững khí tiết của những người Cộng sản Việt Nam.
Đúng như ông Hoàng Chung Thủy (số nhà 2/389 Phố Vọng-Hà Nội), khi đọc được tác phẩm “Chi bộ Lê Hồng Phong, Lao I-Nhà tù Côn Đảo đã cảm động viết thư cho nhóm tác giả-nhân chứng biên soạn, trong đó có đoạn: “Sau (tác phẩm) Bất khuất, nay có (cuốn) Chi bộ Lê Hồng Phong, Lao I- Nhà tù Côn Đảo tiếp tục được chính những nhân chứng kể về “địa ngục trần gian”. Tôi cảm nhận được khí tiết của người Cộng sản, sự kết tinh phẩm chất của người cách mạng, sự lan tỏa tình cảm, niềm tin, khiêm tốn… để tự vấn lòng mình, sống sao cho khỏi vô ơn, vô cảm với bao nhiêu tiền bối, với Côn Đảo anh hùng…” và ông ví khí tiết của những tù Cộng sản ở Côn Đảo như: “Vàng mười” là “ Kho báu của muôn đời”.
Người Bí thư luôn hy sinh vì đồng chí, vì Đảng
Theo ông Ngô Sĩ, ông Đỗ Hằng là người am hiểu về thân thế sự nghiệp của đồng chí Lương Thạnh, bởi ông cũng là một trong những đảng viên “B trụ” sau năm 1954 ở Gia Lai, bị bắt và bị đày đi Côn Đảo, là một trong những đảng viên của Chi bộ Lê Hồng Phong ở Lao I, Nhà tù Côn Đảo. Khi gặp và hỏi về ông Lương Thạnh, người bạn tù chính trị năm xưa, ông Đỗ Hằng đã ngưỡng phục và kể về người Bí thư trung kiên, dũng cảm và trí tuệ ngày ấy của mình ở Lao I-Nhà tù Côn Đảo.
“…Sau ngày đình chiến năm 1954, anh (Lương Thạnh) được Tỉnh ủy Gia Lai bố trí ở lại hoạt động hợp pháp tại thị xã Pleiku, với cái tên mới là Lương Chi. Trong lúc vô cùng khó khăn “địch đông hơn cả dân số” thì việc hoạt động và xây dựng cơ sở hợp pháp và nội tuyến trong đội ngũ địch ở Pleiku chẳng khác nào nhóm lửa trong đêm dông, bão tố. Dù vậy, với Lương Thạnh chỉ sau một năm, anh đã xây dựng được hai tuyến cơ sở với hàng chục người và ba cơ sở nội tuyến trong ngụy quân. Nhen nhóm và tổ chức chi bộ Đảng vào giữa năm 1956, lập Ban Cán sự Đảng ở Pleiku và chính đồng chí Lương Thạnh làm Bí thư.
Những năm ấy, địch điên cuồng bố ráp và tấn công vào những người cách mạng, cơ sở bị lộ và đồng chí Lương Thạnh bị địch bắt. Chúng tra tấn dã man không từ thủ đoạn nào nhưng không khuất phục được tấm lòng kiên trung với Đảng của anh. Anh bị giam giữ hết nhà tù Gia Định, Thủ Đức rồi tháng 7-1959 chúng đày anh đi Côn Đảo. Từ đây, giữa địa ngục trần gian, dưới nanh vuốt kẻ thù, Lương Thạnh đã chứng minh vai trò và khí tiết của một người đảng viên Cộng sản, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng là người cán bộ đảng viên tiên phong vì Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc”.
“Trong muôn chuyện về lòng kiên trung, khí phách và đức hy sinh vì đồng chí của người đảng viên Cộng sản nơi chốn lao tù, có một số chuyện về anh Lương Thạnh, về đức hy sinh của anh tôi luôn nhớ nằm lòng”-ông Đỗ Hằng tâm sự. “Ấy là việc trao đổi chủ trương với nhau giữa các đảng viên của chi bộ trong việc lãnh đạo tù trong trại chống đánh đập tra tấn, chế độ hà khắc của nhà tù, chúng tôi đã sáng tạo ra một thứ mật mã độc đáo để trao đổi với nhau.
Đồng chí Lương Thạnh sinh năm 1915 tại xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia cách mạng từ năm 1945 tại Quảng Ngãi, từ năm 1950 hoạt động tại Gia Lai, năm 1957 bị địch bắt, bị tù đày, mất tại Côn Đảo năm 1972. Ông được Đảng, Nhà nước truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” và các phần thưởng khác; được tỉnh Gia Lai biểu dương thành tích; được thành phố Pleiku tôn vinh và lấy tên ông đặt tên đường ở phường Hoa Lư và một ngôi trường mang tên: “Trường Tiểu học Lương Thạnh”. |
Có lần, anh Hoàng Phùng ở phòng bên cạnh, ném thư sang phòng anh Lương Thạnh. Không may thư bị trúng song sắt văng ra, bị bọn coi ngục nhặt được, chúng nghi là của phòng anh Thạnh, nên bắt tất cả 4 người lên tra hỏi. Biết anh Thạnh tuổi cao, sức yếu lại bị lao phế, anh Võ Thìn một tù nhân trẻ cùng phòng, đã dõng dạc nhận mình viết. Bọn an ninh đã đánh đập dã man, nhưng không khai thác được gì, vì thư viết bằng mật mã, lại là những lỗ nhỏ trên giấy ni lông mỏng. Phần thương, phần lo ngại anh Thìn còn trẻ không chịu nổi đòn thù thì có hại cho tập thể, anh Thạnh đã đứng ra nhận là thư của anh viết chứ không phải “chú nhỏ” này. Chúng lao vào cấu xé, đánh đập anh dã man, nhưng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng chúng phải thốt lên: “Chỉ một mẩu thư nhỏ mà trẻ cũng nhận, già cũng nhận. Trẻ mà không khai thác được thì hòng gì mà hỏi già”. Chúng đành thả 2 người về chuồng cọp”.
Kể đến đây, giọng ông Đỗ Hằng lắng lại, dường như trong lòng ông hình ảnh người bạn tù hiện lên, dường như đâu đó có tiếng thì thầm của người đồng chí, tay ông trở nên vụng về cầm khăn chấm chấm nước mắt… Bỗng nhiên, trong tôi cảm nhận được cái chất vị mặn mòi tình đồng chí trong ông-người đã ở tuổi ngót nghét cửu tuần, đã từng vào tù ra tội, sống sót trở về. Không gian phòng khách dường như ngưng lại, tôi đang ngồi trước mặt ông, nhưng ông lẩm nhẩm nói như cho rất nhiều người: “15 năm bị tù đày khắc nghiệt, anh Lương Thạnh bị bệnh lao phổi nặng, khi ấy anh đã rất yếu, yếu lắm (lúc này bọn chúng đã đưa anh Thạnh về trại 8, vì lãnh đạo tù chống chào cờ địch), dù anh em trong phòng kêu cứu nhưng bọn y tá trại không thèm quan tâm. Đến khi anh hộc ra nhiều máu, nghẹt cả mũi miệng, thấy vậy anh Nguyễn Phú Thọ, một bạn tù, lao đến dùng miệng hút máu và đờm từ miệng mũi anh Thạnh ra, nhưng không cứu nổi, tim anh đã ngừng đập, mọi người trong phòng giam đứng như chết lặng-lúc ấy là 20 giờ ngày 19-12-1972. Mình kéo tấm chăn rách nát đắp nhẹ lên mặt anh…”. “Cái chết của anh Thạnh ngày ấy biến thành một cuộc đấu tranh của toàn trại, buộc bọn cai ngục phải đồng ý cấp quan tài, để anh em làm lễ truy điệu cho anh và chúng tôi an táng anh tại Nghĩa trang Hàng Dương. Vĩnh biệt anh Lương Thạnh-người Bí thư chi bộ dũng cảm, năng động, tận tụy, dù hoàn cảnh nào cũng chăm lo đến tổ chức Đảng, đến đồng chí, đồng đội…”.
Câu chuyện về người Bí thư Chi bộ Lê Hồng Phong-Lương Thạnh, được ông Đỗ Hằng kể lại đã để lại trong tôi lòng khâm phục vô bờ về những đảng viên Cộng sản kiên cường, bất khuất, nhưng đầy tính nhân văn với đồng chí, đồng đội.
Quốc Ninh