(GLO)- Theo đánh giá của Sở Nội vụ Gia Lai, hiện nay có sự chênh lệch lớn trong việc cử đi đào tạo sau đại học giữa viên chức và công chức hành chính. Trên thực tế, viên chức được cử đi học nhiều hơn công chức.
Nói về điều này, ông Huỳnh Thế Mạnh-Phó Giám đốc Sở Nội vụ nêu quan điểm: quy hoạch đào tạo sau đại học hiện nay quá tràn lan, không đúng với nhu cầu của xã hội vì chưa phân rõ đối tượng nào nên cử đi học và đối tượng nào không cần thiết cử đi học nên dẫn đến việc số lượng người được cử đi học quá nhiều mà nguồn lực kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đối với CBCCVC còn hạn chế.
Kết quả bước đầu
Xuất phát từ thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nên đã tạo ra những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 24/2010/NQ-HĐND ngày 9-12-2010 của HĐND tỉnh và Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 24-12-2010 của UBND tỉnh về chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác đi vào cuộc sống thì công tác này được quan tâm triển khai có hiệu quả hơn.
Ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát về chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác. Ảnh: Đức Phương |
Hàng năm, tỉnh dành một khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ cho CBCCVC đi học tại các cơ sở đào tạo trong nước. Cùng với đó là duy trì hỗ trợ CBCCVC đi học sau đại học nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả trong thực thi công việc. Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho 198 thạc sĩ, 50 bác sĩ chuyên khoa I, 2 bác sĩ chuyên khoa II và 3 tiến sĩ.
Các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã bám sát chủ trương của tỉnh để tập trung thu hút người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, tiến sĩ và chuyên khoa I, chuyên khoa II, nhằm tạo nguồn nhân lực bổ sung vào những ngành nghề mà tỉnh đang có nhu cầu. Trong 4 năm qua, tỉnh đã giải quyết chế độ thu hút cho 1 tiến sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa I, 92 thạc sĩ và 158 người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc về tỉnh công tác. Kết quả đó đã tạo niềm tin, khích lệ đội ngũ CBCCVC tỉnh nhà phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, dốc hết sức lực, tâm huyết và trí tuệ làm việc.
Và những bất cập
Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác sau 4 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, thậm chí không theo kịp mặt bằng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Về chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì vẫn còn thấp nên dẫn đến tình trạng nhiều người sau khi đi học về sẵn sàng chấp nhận bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo để đi nơi khác làm việc. Điều đó, dẫn đến nguy cơ khiến Gia Lai trở thành một bước đệm để người lao động được đào tạo nâng cao trình độ rồi “nhảy” đi nơi khác, gây ra tình trạng “chảy máu” chất xám (vừa qua có 2 tiến sĩ của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã xin nghỉ việc và chấp nhận hoàn trả toàn bộ kinh phí đào tạo-N.V).
Ảnh: Đức Thụy |
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, hiện nay có sự chênh lệch lớn trong việc cử đi đào tạo sau đại học giữa viên chức và công chức hành chính. Trên thực tế, viên chức được cử đi học nhiều hơn công chức. Ông Huỳnh Thế Mạnh-Phó Giám đốc Sở Nội vụ nêu quan điểm: quy hoạch đào tạo sau đại học hiện nay quá tràn lan, không đúng với nhu cầu của xã hội vì chưa phân rõ đối tượng nào nên cử đi học và đối tượng nào không cần thiết cử đi học nên dẫn đến việc số lượng người được cử đi học quá nhiều mà nguồn lực kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đối với CBCCVC còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút của tỉnh chưa hấp dẫn, chưa lôi kéo được lực lượng cán bộ khoa học, quản lý và lao động có trình độ, tay nghề cao; nhân lực có trình độ cao phân bổ không đồng đều giữa các ngành, các địa phương (phần lớn tập trung ở thành thị và trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; có quá ít ở các ngành mũi nhọn như khoa học-công nghệ, xây dựng, y tế, tin học…).
Bên cạnh đó, mức đãi ngộ thu hút quá thấp so với nhiều tỉnh khác (mức hỗ trợ thu hút của Gia Lai hiện hành gồm các mức: tiến sĩ là 55 triệu đồng; thạc sĩ là 25 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 35 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là 20 triệu đồng và người tốt nghiệp đại học (chính quy) loại giỏi, xuất sắc là 10 triệu đồng).
Theo quan điểm của ông Phan Xuân Trường-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh) thì: Chính sách thu hút của tỉnh còn chung chung, chưa tập trung vào ngành nghề thật sự có nhu cầu và ít nhiều còn cào bằng, chưa phân loại rõ ràng trường công lập, ngoài công lập, loại hình chính quy và không chính quy.
Người xưa nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.” Suy cho cùng, chế độ hỗ trợ đào tạo và thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác cũng không ngoài mục đích đó. Nhưng để người tài, trí thức phát huy hết khả năng của mình thì bên cạnh chuyện cơm áo gạo tiền, thì họ còn có nhu cầu cao hơn đó là thỏa mãn cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, sự đòi hỏi về một môi trường làm việc phù hợp để ở đó họ có thể phát huy hết khả năng sáng tạo, cống hiến của mình.
Đức Phương