Ế ẩm, tiểu thương đập bỏ hoa ngổn ngang đêm 30 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã chấp nhận giảm giá sâu so với những ngày cận Tết, nhưng nhiều tiểu thương vẫn ngậm ngùi đập phá bỏ hoa cảnh đêm 30 Tết.
Hàng ngàn chậu hoa cúc và quất bị đập bỏ đêm 30 Tết. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Hàng ngàn chậu hoa cúc và quất bị đập bỏ đêm 30 Tết. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Theo ghi nhận của P.V tại nơi tập kết lượng hoa lớn như chợ hoa đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP. Pleik, tỉnh Gia Lai, đến tối 30 Tết các mặt hàng hoa vẫn còn la liệt. Hầu hết là quất và cúc lên đến hàng ngàn chậu các loại. Ngay từ chiều 30 Tết, người dân đã nườm nượp đổ về đây để mua hoa. Một phần bận bịu không có thời gian mua hoa vào những ngày trước, một phần muốn mua hoa với giá rẻ hơn những ngày trước.
Thực tế đêm 30 Tết giá hoa bán đã “tụt dốc không phanh”. Những ngày trước, mỗi chậu cúc đại đóa có giá 500-700 ngàn đồng thì từ khoảng 20 giờ 30 Tết đều đồng loạt hạ xuống mức “đồng giá” 200 ngàn đồng/chậu. Anh Trần Trung Dũng-một tiểu thương buồn rầu: “Tôi nhập ở Bình Định đã 350-400 ngàn đồng/chậu rồi, lấy về 300 chậu bán kiếm ít đồng ngày Tết mà ế chỏng gọng, bán hơn chục ngày cũng chỉ được một nửa. Giờ đành chấp nhận xuống giá, hy vọng vớt vát chút ít tiền vốn để về".
Quất bị đập nằm ngổn ngang khắp chợ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Quất bị đập nằm ngổn ngang khắp chợ. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tương tự, các chậu quất được rao bán từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng nhưng sau 21 giờ tối 30 Tết đành phải bán với giá 100 ngàn đồng/chậu. “Năm nay chợ hoa ảm đạm quá, lượng người mua rất ít mà hàng thì nhiều. Vất vả cả năm trồng được mấy trăm chậu quất, giờ thu lại chẳng được bao nhiêu, chở về thì tiền vận chuyển gấp mấy lần tiền hàng nên chúng tôi phải hạ giá xuống bán được đồng nào hay đồng nấy"-tiểu thương Huỳnh Văn Bảy (trú tại Phú Yên) chia sẻ.
Đặc biệt, từ khoảng 22 giờ 30 phút, nhiều tiểu thương đã “cay đắng” đập bỏ hàng ngàn chậu hoa cúc, quất vì không chấp nhận bán giá rẻ hơn. Vì không muốn tình cảnh nhiều người dân chờ mua hoa rẻ đêm 30 và thậm chí để chờ “xin” hoa. Bà Nguyễn Thị Hơn-một tiểu thương bán quất rầu rĩ: “Quất nhập vào đã 400-500 ngàn/chậu, giờ bán có 100 ngàn mà nhiều người còn trả giá. Nhiều người còn ngỏ ý muốn xin nên chúng tôi phải đập bỏ thôi. Xót ruột lắm nhưng biết làm sao, năm nay lỗ vốn hơn 30 triệu đồng nhưng cũng đành phải chịu vì khó khăn chung”.
Đến khoảng 23 giờ 30 phút, chợ hoa đường Nguyễn Văn Cừ hầu như không còn hoạt động mua bán. Tất cả các sạp bán hoa đều đập bỏ toàn bộ số hàng hóa của mình. Khung cảnh chợ hoa ngổn ngang, hoang tàn khi hoa bị dập nát nằm khắp khu chợ. Các tiểu thương khẩn trương gói gém đồ đạc để lên chuyến xe vào thời điểm giao thừa để trở về đón Tết cùng gia đình. Ai nấy dường như đều muốn quên đi nỗi âu lo để cùng hy vọng về một năm mới sẽ không còn cảnh phải chính tay đập phá “tài sản” của mình.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.