Doanh nghiệp với kênh phân phối 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc tìm được kênh phân phối phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận thị trường, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng đúng lúc, đúng chất lượng với mức giá hợp lý. Khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tìm ra những kênh phân phối mới bên cạnh các kênh truyền thống.
Kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm ưu thế
Lâu nay, người dân vẫn quen với việc mua hàng qua các kênh phân phối truyền thống là đại diện thương mại, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ. Hạn chế của kênh phân phối này là người tiêu dùng luôn phải tự đến tận nơi để mua và tự vận chuyển hàng hóa về nhà… Nhưng hiện nay, chỉ cần một cú click chuột, món hàng bạn chọn sẽ được giao tận nơi. Những mô hình kinh doanh kiểu mới như: Tiki, Lazada, Sendo... ở lĩnh vực thương mại điện tử hay Uber, Grab... trong lĩnh vực giao thông đang ngày càng phát triển cho thấy sự ưu việt của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh cũng như phục vụ đời sống.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ phải sang) tham quan vườn chè của Công ty cổ phần Chè Biển Hồ trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai ngày 6-9-2018. Ảnh: H.D
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ 4 từ phải sang) tham quan vườn chè của Công ty cổ phần Chè Biển Hồ trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai ngày 6-9-2018. Ảnh: H.D
Tuy nhiên, tại Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thương mại chưa theo kịp với nhiều tỉnh thành khác trong nước. Tại Hội thảo quốc tế Thương mại và phân phối vừa được tổ chức tại tỉnh Kon Tum, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thảo Vy-giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng-Phân hiệu Kon Tum-cho biết: “Doanh nghiệp Gia Lai và Kon Tum chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp với những mặt hàng nông sản chủ lực, như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mì... Thông qua việc phỏng vấn ngẫu nhiên 48 doanh nghiệp tại 2 địa phương cho thấy, có khoảng 87% sản phẩm của họ được đưa đến tay người tiêu dùng thông qua kênh phân phối truyền thống là đại diện thương mại, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ mà chưa tìm kiếm các kênh phân phối khác phù hợp với xu hướng hội nhập. Để nâng cao vị thế cạnh tranh của các mặt hàng nông sản này không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường thế giới, để phát triển kênh phân phối bền vững trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp phải ứng dụng mô hình phân phối phù hợp”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thảo Vy cho biết thêm, hầu hết các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum đều tham gia vào kênh phân phối trực tiếp nhưng chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số sản phẩm phân phối trên thị trường. Đối với kênh phân phối truyền thống, có 47% sản phẩm được các doanh nghiệp phân phối trực tiếp qua các nhà bán lẻ, 28% được phân phối qua các đại diện thương mại hoặc môi giới để đến nhà buôn sỉ và buôn lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng, 12% được phân phối qua nhà buôn sỉ. Còn với kênh phân phối hiện đại, có 11% sản phẩm được các doanh nghiệp phân phối thông qua các siêu thị và trung tâm thương mại.
Từ kết quả trên cho thấy, các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu phân phối qua các kênh truyền thống và tập trung mạnh vào việc phân phối thông qua nhà bán lẻ. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang dần tiếp cận với kênh phân phối hiện đại thông qua các trung tâm thương mại và siêu thị. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã nắm bắt được xu thế mới trong tiêu dùng, tuy nhiên họ vẫn cần có chiến lược triển khai cụ thể để đảm bảo sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu khác trong và ngoài nước.
Tiếp cận kênh phân phối hiện đại
Theo Tiến sĩ Đào Xuân Khương-chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ (Viện Doanh nhân ASEAN), để đạt hiệu quả tài chính trong thời gian ngắn và xây dựng được kênh phân phối chuyên nghiệp trong tương lai, các doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu kênh phân phối, lựa chọn chiến lược cho kênh phân phối. Hiện tại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cho doanh nghiệp khá nhiều con đường đưa sản phẩm ra thị trường và đến tay người tiêu dùng, trong đó, đáng chú ý nhất là kênh phân phối hiện đại dựa trên công nghệ thông tin mà người ta gọi chung là thương mại điện tử.
Nông dân xã Diên Phú (TP. Pleiku) thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Nông dân xã Diên Phú (TP. Pleiku) thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, điện thoại di động, ti vi thông minh, truyền hình cáp ở Việt Nam cũng như các trang mạng xã hội Facebook, Instagram... đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ khi qua đó, việc mua bán hàng hóa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Gần đây, sự kết hợp của nhiều nhà bán lẻ truyền thống và các sàn thương mại điện tử cũng là một câu trả lời cho việc thích ứng, thay đổi nhằm hướng đến một mô hình bán lẻ phù hợp với thời đại 4.0.
Tại Gia Lai, để tiếp cận được với khách hàng, một số doanh nghiệp cũng như những nhà bán lẻ đang tích cực quảng bá và tiếp cận đối tác qua internet, ứng dụng thương mại điện tử một cách triệt để. Có thể kể tới các trang như Gialai24h.net, Gialai360.com và gần 200 website của các doanh nghiệp cùng hàng ngàn tài khoản chuyên mua bán trên Facebook. “Mục đích của các trang giao dịch điện tử này là cung cấp thông tin mua bán trực tuyến cho cộng đồng tại địa phương và khu vực lân cận. Chức năng chính của trang là cho phép người mua và người bán kết nối thông tin dễ dàng trong một môi trường tiện lợi và rõ ràng, trên một nền tảng trực tuyến đơn giản, thân thiện. Không cần đăng ký, ai cũng có thể tìm kiếm và đăng các thông tin liên quan về các danh mục sản phẩm cần mua bán”-ông Trần Đức Minh-quản lý 2 trang Gialai24h.net và Gialai360.com-cho biết.
Riêng đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, thương mại điện tử luôn là kênh vô cùng quan trọng để tìm đầu ra cho sản phẩm. Không khó để thấy hiện các doanh nghiệp đều rất chú trọng xây dựng trang web, fanpage... với những nội dung, thông tin, hình ảnh sinh động, phong phú để giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình như lamantcafe.vn của Công ty cổ phần Quốc tế Lamant; classiccoffee.com.vn và fanpage Classic coffee Cà phê Gia Lai của Công ty TNHH Classic Coffee; catecka.com của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn... Có thể coi thương mại điện tử như một công cụ-phương tiện đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời là kênh tiếp thị ngắn nhất, phân phối nhanh nhất, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng...
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong vấn đề tìm kiếm, mở rộng thị trường, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 27-11-2015 phê duyệt kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020. Theo đó, một số mục tiêu cụ thể được đặt ra tới năm 2020 như: phấn đấu 30% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; 1.000 lượt cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước, thanh niên khởi nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tỉnh cũng như doanh nghiệp phải quan tâm đúng mức tới việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho kinh tế số, như hạ tầng nhân lực thương mại điện tử và công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, phân phối điện tử, an toàn an ninh thông tin...
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.