Tăng giá trị sản phẩm nhờ chỉ dẫn địa lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những sản phẩm được coi là “đặc sản” của từng địa phương, nếu được chuẩn hóa bởi chỉ dẫn địa lý (CDĐL) kèm theo biện pháp quảng bá và bảo vệ thương hiệu thì sẽ có giá trị vượt trội trên thị trường so với chính nó khi chưa có CDĐL. Đó là kết luận của thế giới chứ không chỉ của Việt Nam.

Nhưng lâu nay, việc xây dựng CDĐL cho sản phẩm, nhất là những sản phẩm nông nghiệp và hải sản, chưa được chú trọng tại Việt Nam.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kinh nghiệm xây dựng CDĐL sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình cho thấy, trước khi có CDĐL, mỗi ký cam Cao Phong bán chưa tới 10.000 đồng. Thế nhưng, sau khi có CDĐL, giá cam tăng gấp đôi, gấp ba. Hiệu quả kinh tế trên 1 ha trồng cam trước đây chỉ đạt 250 triệu đồng, nay lên đến 700 triệu đồng.

Trước sự xuất hiện tràn lan của hàng nhái, nhất là hàng nhái đến từ Trung Quốc thì CDĐL giúp cho sản phẩm chính hiệu tự bảo vệ mình bằng những dấu hiệu phân biệt. Cái cách người trồng cam Cao Phong treo bảng thông báo “Mùa cam Cao Phong đã hết” chính là cách tự bảo vệ mình trước hàng nhái, đúng tinh thần của CDĐL.

Tại sao cần xây dựng CDĐL cho sản phẩm? Tiến sĩ Delphine Marie Vivien-chuyên gia về CDĐL Pháp, khẳng định: “Người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn về các sản phẩm thực phẩm mà họ mua hàng ngày được sản xuất như thế nào; có sản xuất theo dạng hữu cơ, có đảm bảo sạch trong quy trình sản xuất, quy trình đó có bền vững về môi trường… Mặt khác, người tiêu dùng cũng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, họ trân trọng những giá trị về mặt truyền thống, văn hóa, vùng miền của sản phẩm. Khi người dùng đã yêu thích sản phẩm đó, họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn. Đó là nhờ vào tiêu chí CDĐL”.

Có lẽ không cần giải thích thêm gì nữa về những tác dụng có thể “tính ngay bằng tiền” của CDĐL. Vấn đề chỉ là bây giờ phải làm thế nào để xác định đúng những sản phẩm cần được CDĐL và những việc cần làm “hậu CDĐL” để những sản phẩm ấy có giá trị cao, đúng với thực chất của nó trên thị trường.

Ngay một sản phẩm đã rất nổi tiếng trong nước như dừa Bến Tre mà công tác quảng bá sau CDĐL vẫn còn rất hời hợt, trong khi giá trị của quả dừa Bến Tre là không còn phải bàn cãi.

Có những sản phẩm đã nổi tiếng cần CDĐL để xác nhận giá trị như dừa Bến Tre. Nhưng cũng có những sản phẩm khác tuy “mới nổi” nhưng có giá trị thực sự cần được xây dựng CDĐL để khẳng định giá trị. Tất cả những điều ấy nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa bắt buộc của CDĐL đối với sản phẩm.

Thế giới ngày càng gần lại, ngày càng gắn kết qua những sản phẩm được bán trên thị trường mang tính toàn cầu. Nếu không có CDĐL, làm sao người mua hàng biết được giá trị thực của những mặt hàng mình mua được sản xuất ở đâu, như thế nào và vùng địa lý xuất thân của những sản phẩm ấy ra sao? Đây không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn mang lại cho họ những kiến thức về địa lý, những chỉ dẫn về du lịch rất thú vị. Nhiều khi, chỉ qua một sản phẩm, người ta biết đến một quốc gia và có nhu cầu phải đi du lịch tới quốc gia ấy để khám phá. Chỉ dẫn địa lý không chỉ giúp việc bán sản phẩm mà còn giúp cho ngành du lịch phát triển. Ngay trong nước, khi biết cà phê cao nguyên thơm ngon thế nào, người ta lại có nhu cầu muốn biết vùng cao nguyên Việt Nam ra sao, gồm có mấy tỉnh, và ngoài cà phê thì những tỉnh ấy còn những đặc sản gì khác. Chỉ dẫn địa lý không chỉ định hướng cho người tiêu dùng về sản phẩm, mà còn khơi gợi những mong muốn khám phá của con người về địa lý, lịch sử, những kiến thức hết sức cần thiết trong thế giới hiện đại.

Thế giới bây giờ là thế giới gắn kết và những yếu tố tích cực nếu kết hợp được với nhau sẽ mang lại những lợi ích lớn cho cuộc sống con người. Tại sao Thái Lan biết khắc hình con voi-biểu tượng của nước họ-lên những trái dừa mang thương hiệu Thái, mà Việt Nam chúng ta chưa biết những cách “dán nhãn” ấy sẽ tạo nên hiệu quả gì?

Chỉ dẫn địa lý là một cách “dán nhãn” vùng miền, dán nhãn quốc gia lên sản phẩm để tăng giá trị về nhiều mặt cho sản phẩm và cho vùng miền, cho cả quốc gia.

Ý nghĩa của CDĐL lớn như thế và sự cần thiết của nó là không phải bàn cãi. Bây giờ, chỉ là làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất khi xây dựng CDĐL và sau khi có CDĐL!

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.