Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia 2017: "Phải tận dụng tất cả nguồn lực tại địa phương"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,95%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,6%/năm; có ít nhất 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên trên 50 xã... là một số chỉ tiêu đề ra đối với các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh trong năm 2017. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, để đạt được những chỉ tiêu trên đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương và các sở, ngành liên quan.

  Làm đường giao thông nông thôn.                                          Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đặc biệt nhấn mạnh: “Các địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu đây là chương trình của Nhà nước và nhân dân cùng làm, phải huy động tất cả các nguồn lực có được ở địa phương, tuyệt đối không đem giao hết cho nhà thầu”.

Với nhiều nỗ lực từ các sở, ngành, địa phương các cấp cũng như từ phía người dân, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tới nay, đã có 74 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới được đầu tư xây dựng 267 công trình hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Có 2 mô hình giảm nghèo được triển khai là nuôi bò cái sinh sản tại huyện Chư Pah và Đak Đoa. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt 15-18 tiêu chí, 81 xã đạt 10-14 tiêu chí, 46 xã đạt 5-9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. “Việc thực hiện các chương trình, dự án phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và các huyện nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đánh giá.

Song bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều tồn tại. Được biết, năm 2016, tổng kinh phí phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là 401 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện đến cuối năm 2016 là 381,7 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch; giải ngân đến 31-1-2017 là hơn 380 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch. Tại cuộc họp tổng kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê bình Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa sâu sát, để xảy ra tình trạng chậm giải ngân. “Vốn ít nên phải tranh thủ giải ngân sớm. Từ nay, huyện nào không làm được thì sẽ bị xem xét xử lý, cần thiết thì cắt vốn. Chúng ta có 2 công trình được đưa vào diện cấp bách là công trình thủy lợi Plei Keo và cấp thoát nước Ia Pa nhưng tới nay chưa làm, vậy cấp bách kiểu gì?!”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

Một số vấn đề khác dễ thấy nữa là nhận thức của một số địa phương về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo vẫn chưa cao, vẫn còn dựa dẫm vào nguồn lực của cấp trên, chưa thật tin vào cấp dưới để phân công phân nhiệm; chưa tận dụng hết các nguồn lực của địa phương như lực lượng vũ trang, thanh niên, các đoàn thể khác. Theo quy định, các công trình thuộc chương trình này không được giao hết cho nhà thầu thi công mà phải có sự góp sức của người dân. “Nhiều huyện ý kiến về việc thiết kế nền đường, nhưng nền đường các tuyến này không thể thiết kế, mà các vấn đề thuộc về kỹ thuật thì các Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện phải tham mưu, hướng dẫn cho người dân làm. Về việc huy động nhân dân, địa phương phải tổ chức và huy động chứ không phải gì cũng thuê”-ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết.

Năm 2017, tổng kinh phí phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 442,1 tỷ đồng. Số vốn này lần lượt phân bổ cho Chương trình 30a hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 68,7 tỷ đồng, Chương trình 135 hơn 173 tỷ đồng; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã là 1,78 tỷ đồng; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin 1,15 tỷ đồng; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình gần 1 tỷ đồng và vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hơn 196 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nguồn vốn này sẽ được đầu tư hạ tầng ở các xã, thôn, làng thuộc 4 huyện nghèo Krông Pa, Ia Pa, Kông Chro và Kbang. Bên cạnh đó, tại các xã đặc biệt khó khăn, bà con sẽ được đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (theo kế hoạch, 74 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và 214 thôn, làng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 946 con bò giống và các loại giống cây trồng, phân bón). Ngoài ra, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã sẽ tập trung hỗ trợ nhân rộng 5 mô hình chăn nuôi bò, dê và cải tạo vườn tạp cho 140 hộ hưởng lợi.

Một số giải pháp đã được đưa ra nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch như: các địa phương phải chủ động xây dựng chương trình, mô hình giảm nghèo bền vững. Các đơn vị chức năng phải xác định những loại giống cây, con chưa được phép phát triển, chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả thì phải định hướng, khoanh vùng để kịp thời xử lý. Trên cơ sở tiềm năng đất đai, nguồn lực, các sở, ngành phải hướng dẫn cho huyện, xã... khai thác tốt nguồn lực của mình; đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm nghèo bền vững, hướng dẫn để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

(GLO)- Haiquanonline.com.vn cho biết, tháng 4-2024, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.