Gia Lai: Triển vọng từ cây chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây chanh dây không còn xa lạ với nông dân các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Kbang… Tuy nhiên, với người dân Kông Chro, đây là loại cây trồng chưa phổ biến. Huyện Kông Chro đang đề ra mục tiêu đến năm 2017 phát triển trên 100 ha chanh dây…

Hộ anh Nguyễn Đức Đại (tổ 2, thị trấn Kông Chro) trồng 2 sào cây chanh dây với khoảng 100 gốc giống ghép Đài Nông 1. Chỉ sau hơn 4 tháng xuống giống, chanh dây trong vườn bắt đầu cho thu hoạch bói. “Tiền đầu tư 2 sào chanh dây hết 30 triệu đồng, bao gồm tiền giống (35 ngàn đồng/cây giống) và trụ bê tông, dây kẽm căng giàn, phân bón, thuốc trừ sâu… Đợt đầu tiên, 2 sào chanh dây thu gần 1 tấn trái, giá bán 13 ngàn đồng/kg. Hiện tại, nhà tôi đang chuẩn bị thu trái đợt II”-anh Đại cho biết. Cây chanh dây nếu khỏe mạnh và chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch đến 3 năm mới phải thay thế. Cứ đà này, vườn chanh dây sẽ giúp anh Đại lấy lại vốn và sinh lời trong thời gian ngắn.

 

Anh Nguyễn Đức Đại chăm sóc cho vườn chanh dây. Ảnh: L.H
Anh Nguyễn Đức Đại chăm sóc cho vườn chanh dây. Ảnh: L.H

Mới tiếp cận với loại cây trồng này nhưng anh Đại đã tự trang bị kiến thức để chăm sóc vườn cây, tránh những rủi ro. Ngoài việc tự mày mò tìm hiểu trên sách báo, anh còn tìm đến mô hình trồng chanh dây thành công tại các huyện lân cận để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, anh tìm đến cơ quan chuyên môn nhờ hỗ trợ kiến thức về loại cây trồng này. Từ thực tiễn canh tác, anh Đại nhận thấy trồng cây chanh dây không khó nhưng phải kiên trì. Với cây chanh dây, bộ rễ rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển của cây, mùa khô phải đảm bảo nước tưới để duy trì độ ẩm giúp bộ rễ phát triển tốt. Đồng thời, chanh dây là loại cây ưa nhiệt nên phải thường xuyên cắt tỉa cành lá, giữ thông thoáng, tránh ẩm thấp khiến sâu bệnh gây hại phát triển.

“Trồng chanh dây sợ nhất là các loại bệnh, như: thối bã trầu ở trái, đốm dầu và phấn trắng. Khi chanh dây mắc bệnh, nếu phát hiện và sớm xử lý thì không sao nhưng lơ đễnh vài ngày, bệnh sẽ lây lan rất nhanh, hậu quả sẽ rất nặng nề. Các loại côn trùng thường tấn công gây hại chanh dây là nhện đỏ, ruồi vàng, bọ trĩ”-anh Đại chia sẻ. Theo anh Đại, để phòng trừ sâu bệnh hại, nhà vườn nên phun thuốc khoảng 1 tuần/lần và đổi thuốc thường xuyên, tránh sâu bệnh kháng thuốc.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, huyện Kông Chro hiện có khoảng trên 30 ha chanh dây, hầu hết là trồng tự phát, phân bố tại các xã: Yang Nam, Chơ Long, thị trấn Kông Chro… Qua khảo sát cho thấy, cây chanh dây cho năng suất và chất lượng tốt, có nhiều tiềm năng mở rộng. Trong cuộc họp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Kông Chro hồi tháng 9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ đạo huyện Kông Chro nghiên cứu, triển khai phát triển cây chanh dây trên địa bàn huyện. Đặc biệt, chú trọng nhân rộng cây trồng này trong đối tượng người dân tộc thiểu số, đưa cây chanh dây trở thành cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Ngay trong năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro triển khai mô hình trồng cây chanh dây với diện tích 2,5 ha cho 14 hộ dân thuộc 5 xã: Đak Tơ Pang, Chư Krey, Sró và Đak Kơ Ning. Đây là bước thử nghiệm, làm tiền đề phát triển trong các năm tiếp theo. Ông Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro cho biết: Các hộ tham gia mô hình đã xuống giống từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua. Đây là cây trồng ít kén đất, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Kông Chro.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% chi phí giống, vật tư, phân bón và được tham gia tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác. Hàng tuần, trạm cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống nắm bắt tình hình, kiểm tra vườn cây. Mỗi sào chanh dây được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng. Hiện nay, một số vườn chanh dây đang bắt đầu cho thu bói. “Chất lượng, hương vị trái rất tốt, cây ít sâu bệnh-đó là những ưu điểm ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao phải phổ biến kỹ thuật chăm sóc đến các hộ tham gia và người dân, đặc biệt là kỹ thuật cắt tỉa cành, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Nếu nắm bắt và thực hiện tốt các kỹ thuật này thì khả năng mỗi ha có thể cho thu 40-50 tấn trái. Cái khó là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, Huyện ủy, UBND huyện đã có chủ trương kêu gọi một số doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân trồng chanh dây. Nếu liên kết tốt giữa người trồng và doanh nghiệp thì cây chanh dây hoàn toàn có thể trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và mở ra triển vọng làm giàu cho nhiều người dân địa phương. Với mức giá thu mua như hiện nay, lợi nhuận từ cây chanh dây có thể đạt 300-400 triệu đđồng/ha”-ông Quốc nhấn mạnh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.