Liên kết để phát triển kinh tế hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với những hộ người Kinh có vốn nhưng không có đất để cùng nhau đầu tư chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Mô hình liên kết này bước đầu đã cho hiệu quả giúp hai bên cùng có lợi.

Sau 3 năm liên kết trồng 1.000 trụ tiêu, vườn tiêu của gia đình ông Rơ Lan Bak (làng Weh) và ông Võ Thanh Hà (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã cho thu bói. Ông Rơ Lan Bak cho hay: “Trước đây, diện tích này vợ chồng mình trồng cà phê. Nhưng do thiếu vốn đầu tư, lại không có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc nên năng suất cà phê đạt rất thấp. Vốn quen biết nhau, thấy vườn cà phê của mình chất lượng thấp, vợ chồng ông Hà đã gợi ý liên kết chuyển sang trồng tiêu. Mới đầu, mình thấy chưa yên tâm vì trong làng chưa ai làm cách này. Song được sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện hợp thức hóa bằng văn bản thỏa thuận đầu tư giữa các hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số của chính quyền, đoàn thể, địa phương nên vợ chồng mình quyết định phá bỏ cà phê chuyển sang liên kết trồng tiêu với gia đình ông Hà”.

 

Ông Hyưr, làng Ia Mút liên kết với gia đình ông Hoàng Thanh Cam (thôn 76), xã Hà Bầu chăm sóc tiêu.  Ảnh. Đ.Y
Ông Hyưr, làng Ia Mút liên kết với gia đình ông Hoàng Thanh Cam (thôn 76), xã Hà Bầu chăm sóc tiêu. Ảnh. Đ.Y

Bản thỏa thuận liên kết được ký kết giữa 2 gia đình ông Bak và ông Hà là 20 năm. Sau 3 năm cùng nhau đầu tư, chăm sóc, vườn tiêu đã cho kết quả bước đầu. Vụ thu bói năm 2016, hai gia đình bán được trên 60 triệu đồng. “Số tiền này chia đều, nếu so với trồng cà phê thì giá trị kinh tế mang lại cao gấp đôi”-ông Rơ Lan Bak so sánh. Cả ông  Bak và ông Hà cùng xác định, cây tiêu có giá trị kinh tế cao nhưng là cây trồng hay gặp rủi ro bởi dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào nên khi đã tìm được tiếng nói chung thì chặng đường làm ăn phía trước sẽ không còn là nỗi lo của riêng ai. “Thực hiện liên kết, khi trồng, gia đình tôi đầu tư trụ, lưới, kẽm, giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, còn gia đình ông Bak có đất, bỏ công cùng nhau chăm sóc. Khi thu tiêu thì hai gia đình chia đôi lợi nhuận”-ông Hà nói. Theo tính toán của ông Hà, 1.000 trụ tiêu đầu tư tại đất của gia đình ông Bak được trồng theo kỹ thuật cao, hết gần 400 triệu đồng. Nếu giá tiêu như hiện nay sau 5 năm là ông thu hồi vốn. “Như vậy, còn 15 năm sau là tôi thu lời. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng tiêu của mình, tôi tự tin việc liên kết này”-ông Hà cho biết thêm.

Cũng bằng hình thức hợp tác như trên, gia đình ông Hyưr (làng Ia Mút) chủ đất và hộ ông Hoàng Thanh Cam (thôn 76), cùng nhau trồng 1.300 trụ tiêu vào tháng 10-2015. Bản hợp đồng thỏa thuận hợp tác giữa 2 gia đình (có sự chứng kiến ký kết của chính quyền địa phương) ghi rõ: Trong 3 năm đầu, mọi chi phí đầu tư đều do gia đình ông Cam đảm nhận; công chăm bón vườn tiêu thì cả 2 gia đình có trách nhiệm phối hợp cùng làm. Sau 3 năm, khi vườn tiêu cho thu bói, lợi nhuận sẽ được chia đôi. Kể từ năm thứ 4 trở đi, mọi chi phí đầu tư cũng thuộc trách nhiệm của gia đình ông Cam; tuy nhiên, mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí đầu tư, còn bao nhiêu lợi nhuận sẽ chia đôi. Với cách làm thống nhất ngay từ đầu, mỗi gia đình đều cảm thấy có trách nhiệm và nỗ lực bắt tay cùng nhau hợp tác làm kinh tế, nâng cao thu nhập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc liên kết đầu tư giữa hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ đất) với hộ người Kinh để trồng tiêu trên địa bàn xã Hà Bầu xuất phát từ việc các gia đình quen biết nhau đã lâu. Hai gia đình thống nhất quan điểm, đoàn kết cùng làm, cùng hưởng.

Ông Y Ren-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu cho biết: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về ngăn chặn tình trạng bán, sang nhượng đất trái phép trong đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã triển khai đến 13 thôn, làng tuyên truyền, giải thích cho bà con song kết quả đạt được chưa như mong muốn. Phần lớn những hộ bán và sang nhượng đất trên địa bàn thời gian qua là các hộ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, không biết cách tổ chức cuộc sống hoặc thiếu vốn sản xuất. Có không ít trường hợp bán đất xong chủ hộ lại làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình. Bởi thế, mô hình cặp hộ người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số liên kết giúp nhau làm kinh tế đã cho thấy hiệu quả, ngăn chặn tình trạng bán, sang nhượng đất trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để người dân không mất đi tư liệu sản xuất trên chính mảnh đất nơi họ đang sống. Qua theo dõi, mô hình này bước đầu rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này đến các hộ khác và không chỉ trên cây tiêu mà trên nhiều cây trồng khác nữa.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.