Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử: Nhiều tiện ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Đề án cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử đang được Công an tỉnh Gia Lai triển khai đồng loạt ở các địa phương. Để hiểu rõ hơn ưu điểm, sự cần thiết của CCCD gắn chíp điện tử, phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Chu Kiến Trúc-Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh).
Thượng tá Chu Kiến Trúc. Ảnh: Văn Ngọc
Thượng tá Chu Kiến Trúc. Ảnh: Văn Ngọc
* P.V: Xin Thượng tá cho biết, CCCD gắn chíp điện tử có những ưu điểm gì so với chứng minh nhân dân (CMND) và CCCD mã vạch mà người dân hiện đang sử dụng?
- Thượng tá CHU KIẾN TRÚC: Thẻ CCCD gắn chíp điện tử, còn gọi là thẻ căn cước điện tử e-ID là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có thể đóng vai trò là thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Thẻ CCCD gắn chíp sẽ lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và hoàn toàn không có việc định vị, theo dõi.
So với CCCD sử dụng mã vạch, CMND 9 số và 12 số bằng phôi giấy thì thẻ CCCD gắn chíp được làm bằng nhựa cứng đảm bảo độ bền lâu hơn, lưu trữ lượng thông tin lớn và có thể linh hoạt, mở rộng tích hợp thêm các thông tin, dữ liệu hay dịch vụ tiện ích trong tương lai. Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi và việc đối sánh dấu vân tay có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính.
Khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin của các bộ, ban ngành khác như: thuế, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác thì có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo. Người dân khi đi giao dịch và làm các thủ tục không phải mang nhiều loại giấy tờ, thuận lợi khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử. Đây là nền tảng để xây dựng chính phủ điện tử, xã hội số, nền kinh tế số… Ngoài ra, với thẻ CCCD gắn chíp điện tử, việc xác thực danh tính có thể thực hiện không cần đường truyền internet.
* P.V: Thượng tá có thể cho biết những ai phải đi làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử và liệu có ảnh hưởng đến các loại giấy tờ khác đang tồn tại?  
- Thượng tá CHU KIẾN TRÚC: Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD. Tuy nhiên trước mắt, những trường hợp chưa có CMND hoặc CCCD, công dân có CMND hoặc CCCD mã vạch đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì cần khẩn trương đổi sang CCCD gắn chíp điện tử để thực hiện các giao dịch hành chính. Đối với các trường hợp CMND, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì có thể tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn theo Luật CCCD. Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 4 loại giấy tờ cùng tồn tại song song là: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chíp điện tử.
Việc đổi sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. Đối với công dân đã có CCCD mã vạch thì khi đổi sang CCCD gắn chíp điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh. Còn đối với trường hợp công dân đổi từ CMND 9 số và 12 số sang CCCD gắn chíp điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới-cũng là số định danh cá nhân. Khi đó, cơ quan Công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để công dân thuận tiện trong việc giao dịch có liên quan đến số CMND cũ.
Công an tỉnh tích cực triển khai lập hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc
Công an tỉnh tích cực triển khai lập hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân. Ảnh: Văn Ngọc
* P.V: Người dân khi làm thủ tục cấp CCCD cần lưu ý những gì và việc triển khai công tác này đang diễn ra như thế nào, thưa Thượng tá?
- Thượng tá CHU KIẾN TRÚC: Người dân khi đến các điểm làm CCCD cần mang theo sổ hộ khẩu bản chính và CCCD mã vạch hoặc CMND 9 số, 12 số đang sử dụng. Để được cấp CCCD hợp lệ thì người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu, nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu người đủ điều kiện cấp CCCD gắn chíp điện tử. Công an tỉnh phấn đấu hoàn thành việc cấp CCCD cho các đối tượng đủ điều kiện trước ngày 1-7-2021. Bộ Công an đã phân bổ 36 bộ máy làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho 18 đầu mối, gồm 17 Công an các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội ở địa chỉ 64 Hùng Vương (TP. Pleiku). Mỗi đầu mối tiếp nhận 2 máy và có công suất thực hiện cho khoảng 100-120 người/máy/ngày. Tính đến ngày 10-3, Công an tỉnh đã hoàn thiện hơn 23.000 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử và đã trả gần 1.000 CCCD đến tay người dân.
Để kịp tiến độ, các đầu mối đang tích cực làm việc cả ngày và đêm, chia làm 3 ca ở tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật nhằm tiếp nhận hồ sơ của người dân. Riêng ca tối sẽ làm việc tới 22 giờ mỗi ngày. Nhiều địa phương đã triển khai cấp CCCD lưu động đến tận các thôn, làng, tổ dân phố để giúp người dân dễ dàng tiếp cận, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại với phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
* P.V: Xin cảm ơn Thượng tá!
LÊ VĂN NGỌC (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.