Nơi lưu giữ kỷ vật kháng chiến huyện Sa Thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm trong quần thể Di tích lịch sử cấp tỉnh, Điểm cao 995 – Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy), ngôi nhà có kiến trúc giống nhà sàn của đồng bào dân tộc Gia Rai hiện là nơi trưng bày các kỷ vật, tư liệu hình ảnh của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mảnh đất Sa Thầy. Những kỷ vật, tư liệu hình ảnh ấy là bằng chứng có giá trị lịch sử vô cùng to lớn về quá trình chiến đấu, hy sinh xương máu của bao thế hệ cách mạng đấu tranh giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

Được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng, ngôi nhà có tổng diện tích sàn hơn 445m2, nằm ở Khu B của quần thể Di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cao 995 – Chư Tan Kra. Sau khi hoàn thành xây dựng vào năm 2012, ngôi nhà mang tên Nhà văn hóa và được sử dụng làm nơi đón tiếp khách tham quan cùng thân nhân các liệt sĩ. Đến năm 2018, UBND huyện Sa Thầy đầu tư hơn 900 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa ngôi nhà và chuyển công năng sử dụng thành Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật kháng chiến của địa phương.

Ngôi nhà có sàn cách mặt đất hơn 2m và có ban công ở 4 phía. Ngoài cầu thang chính nằm ở giữa dẫn lên phòng trưng bày, ngôi nhà còn có 2 cầu thang phụ nằm ở 2 bên hông.


 

Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật kháng chiến huyện Sa Thầy. Ảnh: ĐT
Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật kháng chiến huyện Sa Thầy. Ảnh: ĐT


Bên trong phòng trưng bày, tại vị trí chính giữa là sa bàn thể hiện diễn biến 4 trận đánh tiêu biểu của bộ đội chủ lực cùng với quân và dân huyện Sa Thầy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là trận đánh tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; trận đánh tại Điểm cao 1015 – đồi Charlie và trận đánh tại Điểm cao 1049 – căn cứ Delta, tạo tiền đề để các lực lượng khác của ta tiến công, giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh; trận đánh tại căn cứ Kleng (còn gọi là căn cứ Lệ Khanh) giải phóng huyện Sa Thầy.

Phía bên trái của sa bàn là khu vực khánh tiết, nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là khu vực trưng bày các kỷ vật mà bộ đội ta sử dụng trong chiến tranh do nhân dân huyện Sa Thầy hiến tặng, như súng, đạn, xẻng, bi đông đựng nước, dụng cụ sơ cứu, mũ cối, đèn pin. Đặc biệt, khi tham quan khu vực này, người xem còn được tận mắt thấy các di vật như tăng võng, dây thắt lưng, dép cao su, bàn chải đánh răng, nồi gang, bát ăn cơm, được tìm thấy cùng với hài cốt của các liệt sĩ Trung đoàn 209 tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra.


 

Khu vực trưng bày các kỷ vật, hình ảnh tư liệu liên quan đến Điểm cao 1015 – Đồi Charlie và Điểm cao 1049 – Căn cứ Delta. Ảnh: Đ.T
Khu vực trưng bày các kỷ vật, hình ảnh tư liệu liên quan đến Điểm cao 1015 – Đồi Charlie và Điểm cao 1049 – Căn cứ Delta. Ảnh: Đ.T



 

Phía bên phải của sa bàn là khu vực trưng bày các kỷ vật là quân trang cá nhân của bộ đội ta và quân địch được tìm thấy tại Điểm cao 1015 – đồi Charlie và Điểm cao 1049 – căn cứ Delta. Trên các bức tường xung quanh khu vực này còn trưng bày các bức ảnh tư liệu được ghi lại vào thời điểm diễn ra chiến dịch Xuân – Hè 1972 tại mặt trận Sa Thầy, Đăk Tô – Tân Cảnh, đường 14 của quân ta; các bức ảnh của đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ khảo sát và thi công nhà bia di tích lịch sử Điểm cao 1015 – đồi Charlie và Điểm cao 1049 – căn cứ Delta; các bức ảnh của Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209 trong quá trình tìm kiếm, quy tập, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Điểm cao 995 – Chư Tan Kra; các bức ảnh cựu chiến binh các đơn vị của ta và của Mỹ từng tham chiến tại mặt trận Sa Thầy trở lại thăm các di tích, dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ; các bức ảnh lãnh đạo, quân và dân huyện Sa Thầy qua các thời kỳ kháng chiến.

Ở khu vực này còn trưng bày những cuốn sách, bài viết trên ấn phẩm báo chí với nội dung lịch sử hào hùng của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta và lực lượng vũ trang huyện Sa Thầy giai đoạn 1960 – 2010. Nơi đây còn trưng bày những cuốn nhật ký ghi lại chi tiết khung cảnh, cảm xúc mỗi ngày ở nơi chiến trường với những trang giấy cùng nét chữ mộc mạc, hình vẽ đã phai màu của chiến sĩ bộ đội ta trong thời gian chiến đấu ở mặt trận Sa Thầy. Những cuốn nhật ký ấy đã giúp người xem hôm nay hiểu được cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ và cả những tình cảm cách mạng, niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà bộ đội ta đã ghi lại. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về thời kỳ chiến đấu oanh liệt, những khó khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ cách mạng trải qua để góp phần giành những thắng lợi vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài các kỷ vật, di vật, hình ảnh trên, trong phòng trưng bày còn có 1 tivi cùng hệ thống âm thanh để chiếu các thước phim tư liệu chiến tranh của bộ đội, quân và dân huyện Sa Thầy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hiện nay, ngoài mở cửa để phục vụ khách tham quan và người dân địa phương, Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật kháng chiến huyện Sa Thầy còn là nơi để các em học sinh thuộc các trường học trên địa bàn huyện đến học tập, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc và tiếp nối truyền thống yêu nước của các thế hệ đi trước. Đây cũng là nơi để tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ trách nhiệm của những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại mặt trận Sa Thầy. Nhiều kỷ vật, tư liệu hình ảnh đang trưng bày tại đây là của những cựu chiến binh Mỹ hiến tặng.


 

 Tham quan các kỷ vật tại nhà trưng bày. Ảnh: Đ.T
Tham quan các kỷ vật tại nhà trưng bày. Ảnh: Đ.T


Là địa phương có nhiều di tích lịch sử gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Sa Thầy đang tiếp tục phát động sưu tầm, hiến tặng kỷ vật đến các cấp, ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân để công tác trưng bày được đầy đủ hơn, qua đó thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tương lai.
 

Theo ĐỨC THÀNH (baokontum)

Có thể bạn quan tâm