Ia Pa-Ngày ấy, bây giờ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, huyện Ia Pa ngày càng phát triển, ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Khó có thể tưởng tượng trung tâm hành chính huyện bây giờ từng là những vạt rừng le, cỏ dại mọc lút người.

Tôi về thăm lại huyện Ia Pa đúng dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho các thế hệ đã không ngại gian khổ cùng chung tay xây dựng nên vùng đất này; là nơi tôi có thời gian gần 10 năm công tác và gắn bó. Khi trở lại đây, nhận thấy Ia Pa đã thay đổi nhiều, đường sá rộng mở, đi lại thuận tiện, nhiều công trình mang tầm vóc mới, trong tôi tràn ngập sự vui mừng, xúc động.

 

Một góc huyện Ia Pa.    Ảnh: Đức Thụy
Một góc huyện Ia Pa. Ảnh: Đức Thụy

Năm 2003, khi huyện vừa được thành lập cũng là lúc tôi vừa ra trường. Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi biết đến Ia Pa và nộp hồ sơ xuống công tác tại đây. Chưa một lần đến Ia Pa, tôi chỉ hình dung về vùng đất này qua những câu chuyện, qua những phương tiện truyền thông, qua chuyến xe đò từ thị xã An Khê về Ia Pa trên con đường đèo dốc gập ghềnh, bụi mù mịt bạc trắng cả đầu. Trên chuyến xe ấy có anh bạn đi cùng là người ở địa phương; qua những câu chuyện kể của anh, tôi đã hình dung được phần nào về nỗi khó khăn và khắc nghiệt, về sự xa xôi, hẻo lánh ở nơi mà tôi sắp đến, nơi mà mọi người vẫn thường gọi là “hốc Pờ Tó”.

Sợ không biết đường nên tôi phải dặn đi dặn lại anh tài xế khi nào tới trung tâm huyện thì cho tôi xuống. Khi xe dừng lại, bước xuống xe nhìn thấy cảnh đồi núi trập trùng chỉ có những vạt rừng le và cỏ dại, lúc này cảm giác trong tôi thật hoang mang và chán nản. Trên quả đồi đầy nắng gió không một ngôi nhà, không một quán nước ven đường để trú chân; chỉ có một ngôi nhà duy nhất là trụ sở làm việc của Ban Chỉ huy Quân sự huyện đóng dưới chân đồi và vài công trình đang xây dựng. Nhìn xuôi về 2 phía là đồi núi trập trùng, nắng hoa cả mắt. Đứng chờ cả tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đón được xe đi nhờ và hỏi đường để xuôi xuống xã Ia Ma Rơn, nơi các cơ quan ban ngành đóng ở đây, cách trung tâm hành chính bây giờ khoảng 5 km. Các cơ quan làm việc và ở tại nhà sàn của dân, hội trường thôn, trường học; cơ sở hạ tầng chật chội thiếu thốn như thách thức tất cả mọi người. Buồn vì nhớ nhà, nhiều khi tôi chỉ muốn... xách vali ra về, nhưng được động viên nên tôi cũng dần thích nghi với công việc và cuộc sống nơi đây.

Đầu năm 2004, các cơ quan chuyển về trung tâm huyện, làm việc trong những dãy nhà cấp 4 được xây dựng nằm bên kia đồi thuộc địa giới hành chính của xã Kim Tân; mỗi phòng ban chỉ có 1 phòng cấp 4 để làm việc, rộng khoảng 30-35 m2. Trung tâm huyện lúc này chỉ có vài nóc nhà của các hộ kinh doanh cà phê giải khát, cơm bụi… phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cán bộ, công chức, viên chức ở đây. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt lúc ấy là thiếu nước sinh hoạt, hầu như phòng ban nào cũng có vài chiếc can lớn cỡ 30 lít để chở nước từ nhà dân cách đó hàng cây số. Cái khó cái khổ vẫn luôn thường trực. Đứng trước hàng loạt khó khăn, mọi người cũng chỉ biết dựa vào nhau và tự nhủ phải cố gắng vượt qua. Lúc này, để cải thiện bữa ăn, mọi người cùng góp gạo thổi cơm chung, hầu như phòng ban nào cũng có bếp ăn. Phòng Văn hóa-Thể thao nơi tôi công tác lúc bấy giờ ở cạnh Phòng Giáo dục và Đào tạo, khối Mặt trận và đoàn thể huyện, cứ đến gần trưa là mọi người cùng bắt tay, người đi chở nước, người đi chợ, người thì vào bếp, bữa cơm trưa lúc nào cũng vui vẻ  pha lẫn những câu chuyện hài hước...

Sau khi giải quyết được những vấn đề khó khăn trước mắt thì cơ sở hạ tầng cũng dần dần được xây dựng thêm, các cơ quan ban ngành được chuyển về trụ sở làm việc mới, rộng rãi và khang trang hơn nhưng điều kiện bấy giờ vẫn đang còn khó khăn vì đường sá xa xôi, không có chợ, quầy tạp hóa nên muốn mua thứ gì cũng phải đi mấy cây số xuống xã Ia Ma Rơn hoặc ra thị xã Ayun Pa. Những buổi chiều cuối ngày làm việc, những ngày nghỉ cuối tuần, từng đoàn xe lần lượt kéo về thị xã Ayun Pa để lại cho Ia Pa nỗi buồn đến nao lòng. Trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và tinh thần, một số người đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Nói đến Ia Pa còn phải nhắc đến sự khắc nghiệt của thời tiết. Nắng nóng ở miền Trung quê tôi thấy đã khủng khiếp rồi nhưng so với cái nắng ở Ia Pa thì không thấm thía gì, buổi trưa nhìn ra ngoài trời thấy hơi nóng dưới đất bốc lên như những cột khói bay cuồn cuộn. Từng đoàn người lần lượt kéo nhau ra sông Ba để trốn cái nắng nóng; đến nỗi buổi trưa chúng tôi không thể nào ở nổi trong phòng mà phải ra vườn điều để tránh nóng, mỗi người một chiếc võng. Còn mùa mưa ở Ia Pa thì đường sá đi lại khó khăn, nước lũ lên ngập qua đường chia cắt Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết được nơi đây đã có chiếc cầu mới bắc qua sông Ba. Thế là giấc mơ bao đời của người dân nay đã thành hiện thực.

...Còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện vui, buồn những kỷ niệm nơi vùng đất này. Cuộc sống hôm nay dù đã đủ đầy hơn trước nhưng quá khứ ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí những con người một thời vượt khổ. Tròn 15 năm nhìn lại, có người đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác song còn đó những con người vẫn kiên trì bám trụ để xây dựng  Ia Pa ngày càng bề thế hơn.

Tháng ba về! Cái nắng như dịu lại bởi những cơn mưa đầu mùa. Cây xanh tươi sau bao tháng ngày khô héo. Những mái nhà đỏ tươi rực rỡ in hằn lên giữa khoảng nền xanh của cây cối, rặng núi bao quanh, tạo nên một bức tranh tươi mới, cho ta cảm nhận về sự sinh sôi, phát triển nơi vùng đất cằn khô này.

Trần Trung Kỳ

Có thể bạn quan tâm