Làng Dlâm bao giờ thoát nghèo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình cụ thể, thiết thực nhưng đến nay, làng tái định cư Dlâm vẫn thuộc diện nghèo nhất trong 14 làng của xã nghèo Ayun (huyện Chư Sê).

Theo chân Trưởng thôn Ksor Việt, chúng tôi đi một vòng quanh làng Dlâm. Dấu ấn thời gian hằn lên vẻ nghèo khó của làng qua những căn nhà sàn bằng gỗ diện tích khiêm tốn, tuềnh toàng bạc thếch gió mưa, “điểm xuyết” vài căn nhà xây chưa tô phơi màu gạch non rêu bám phủ được nối với nhau bởi những con đường đất ngoằn ngoèo nhờ bước chân người làm nên.

Làng im ắng giữa buổi chớm trưa ngày đầu đông nhạt nắng. Mấy em bé Jrai đầu trần chân đất đứng túm tụm, mắt xoe tròn ngơ ngác nhìn theo người lạ. Trên những bãi đất rộng, lưa thưa cây cỏ dại thâm thấp, mấy chú heo đen trũi, mấy con bò cỏ thả rông…
 

Cầu treo trên đường từ trung tâm xã Ayun đến làng Dlâm.                      Ảnh: Đ.P
Cầu treo trên đường từ trung tâm xã Ayun đến làng Dlâm. Ảnh: Đ.P

“Làng chỉ cách trung tâm xã 3,5 km, giáp với hồ Ayun Hạ; diện tích tự nhiên đủ rộng cho 95 hộ người Jrai với 610 khẩu sinh sống. Đất đai ở đây cằn cỗi, mùa mưa thì ngập úng, đất dẻo nhầy; mùa nắng lại cằn trơ như đá cuội nên cây lúa, bắp, mì “ăn nước trời” cho năng suất rất thấp. Từ ngày về làng tái định cư, mùa nước lên, một số hộ có thêm nghề đánh bắt cá để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn. Mùa khô, nước lòng hồ xuống thấp gần đến chân hòn núi Vú, phần lớn bà con về làng cũ (thuộc xã Hbông, huyện Chư Sê) canh tác trên phần đất rẫy trước kia của mình.

Cây trồng là mấy loại cây lương thực ngắn ngày chờ nước trời. Đất màu mỡ hơn nhờ phù sa đọng lại, tạo lớp mùn dày cho hoa màu tươi tốt.

Nhưng có năm chưa kịp thu hoạch thì đổ mưa nhiều, nước dâng nhanh, trời lại lấy đi. Hiện làng có 47 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nghèo còn bởi sinh đông con, chừng như nhà nào cũng có từ 3 đứa con trở lên. Nghèo nên ít học.

Cả làng trước giờ không có lấy một người học đến bậc THPT. Nghèo nên thiếu các phương tiện vui chơi giải trí, con gái bắt chồng sớm để nhà có thêm sức lao động. Hệ quả là lại nheo nhóc trong khó nghèo. Hàng năm, nhiều chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo hỗ trợ vật nuôi như heo, bò cho các hộ nghèo nhưng hiệu quả đem lại không cao, nhất là khi bà con được nhận nuôi con giống lai. Chúng không thể sống, phát triển trong điều kiện chăm sóc hoàn toàn theo hướng tự nhiên”-Trưởng thôn Ksor Việt giãi bày.

Chúng tôi đến thăm nhà già làng Siu Đôm, người tham gia cách mạng thời chống Mỹ, nay đã ở độ tuổi thất thập. Trong căn nhà khang trang được Nhà nước xây tặng, bằng thứ tiếng Kinh khá chuẩn, ông nhận xét lý do nghèo khó của dân làng: “Ý thức tự vươn lên thoát nghèo của bà con hạn chế lắm.

Cho vay vốn thì không biết xoay xở để đồng tiền sinh lãi, toàn dùng vào việc không đâu như sắm điện thoại đắt tiền, mua xe máy. Các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi được tổ chức chu đáo là thế mà cứ “nghe tai này ra tai kia”, vẫn theo nếp cũ mà làm. Cứ trông chờ vào Nhà nước cấp phát gạo cứu đói, cứ đợi các tổ chức từ thiện đến tặng quà vào dịp lễ, Tết, lấy đâu…”.

Con đường nối từ trung tâm xã đến làng Dlâm tuy ngoằn ngoèo, phải qua một chiếc cầu treo nhưng cũng khá rộng, đủ cho ô tô lăn bánh. Điện cũng đã về làng từ nhiều năm trước. Hoa lợi từ đất, thủy sản từ hồ tuy không nhiều nhưng cũng sẵn. Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm bằng nhiều chương trình cụ thể, thiết thực. Tình người từ khắp nơi trong cả nước cũng hướng về làng… Nhưng khi mà chính người dân làng Dlâm chưa chịu thay đổi (bắt đầu từ nhận thức) thì chẳng biết đến khi nào làng tái định cư này mới thoát nghèo?

Cao Thị Vân Anh

Có thể bạn quan tâm