Nơi sưởi ấm những mảnh đời kém may mắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khác với nhịp sống hối hả bên ngoài, Làng trẻ em SOS Pleiku nằm sâu trong con đường Hải Thượng Lãn Ông với những ngôi nhà nhỏ xinh xắn, bình yên và ấm áp. Nơi đây, đang ngày ngày tràn ngập tiếng nói cười của các em nhỏ thiếu may mắn vì sớm phải mồ côi cha, mẹ hoặc bị bỏ rơi không nơi nương tựa…

Làng tọa lạc trên diện tích gần 3 ha với 1 trường học mầm non và 12 ngôi nhà mang tên các loài hoa như: Cát Tường, Hoa Sứ, Tường Vy… Hiện tại, Làng đang nuôi dưỡng 75 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi tại 8 ngôi nhà. Mỗi ngôi nhà gồm 1 bà mẹ đơn thân và 8-11 trẻ với sự giúp đỡ của một bà dì.

 

Trẻ vui đùa sau những giờ tan lớp.                                                                              Ảnh: H.T
Trẻ vui đùa sau những giờ tan lớp. Ảnh: H.T

Chiều đến, khi bóng ngôi nhà Hoa Sứ của mẹ Nguyễn Thị Ngoan đổ dài xuống khoảng đất đầy ắp cỏ, hoa phía trước cũng là lúc các con của mẹ Ngoan đã đi học về. Thấy khách đến thăm nhà, hàng loạt những tiếng chào “Con chào cô ạ”, “Con chào chú ạ” cất lên khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự nền nếp và lễ phép của các trẻ. Không cần mẹ nhắc nhở, Rơ Châm Sư (11 tuổi) nhanh nhẹn rót nước mời khách. Đang thêu dở bức tranh, chị Ngoan vội dừng tay rồi vui vẻ bắt chuyện. Cũng như bao bà mẹ khác ở Làng, công việc đều đặn mỗi ngày của mẹ Ngoan là đi chợ, nấu cơm ngày ba bữa cho các con, giặt giũ áo quần, trồng rau, chăm sóc các con nhỏ, chỉ cho các con tự vệ sinh cá nhân, học bài, làm hoa.

Một mình chăm sóc 11 đứa con nhưng chưa khi nào mẹ Ngoan cảm thấy mệt mỏi. “Khi mới về đây, mỗi đứa một hoàn cảnh, một tính cách, một lối sống khác nhau nên việc nuôi dưỡng các con gặp nhiều khó khăn. Nhưng nghĩ đến những thiếu thốn của các con mà mình đã làm hết sức để bù đắp. Giờ thì, từ chỗ thích làm theo ý mình, các con đã rất nghe lời mẹ; từ chỗ học yếu, các con đã vươn lên học khá, giỏi và muốn gắn bó lâu dài với mẹ và anh chị em trong nhà”-mẹ Ngoan vui vẻ chia sẻ.

Rời ngôi nhà Hoa Sứ, chúng tôi đến thăm ngôi nhà Tường Vi của mẹ con chị Nay H’Kram. Cũng xuất phát từ tình yêu thương dành cho trẻ kém may mắn mà năm 2014, Nay H’Kram lúc đó đang làm việc tại Hà Nội đã tình nguyện về đây chăm sóc cho các trẻ mồ côi. Cũng từ tình thương của mẹ Kram mà các con ngày một trưởng thành.

Chia sẻ về một số hoạt động của làng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Pleiku Võ Văn Hải cho biết: Khi mới về làng, nhiều trẻ có lối sống tự do, lại bất đồng về ngôn ngữ do có nhiều trẻ là dân tộc thiểu số nên việc chăm sóc và nuôi dạy gặp nhiều khó khăn. Song với tình yêu thương và sự kiên nhẫn, cố gắng của các mẹ mà các trẻ đã nhanh chóng đi vào sinh hoạt có nền nếp, biết đùm bọc và yêu thương nhau. Đến nay, các trẻ đều phát triển khỏe mạnh, chất lượng học tập được nâng lên. Năm học 2014-2015, có 8 trẻ đạt học lực giỏi, 41 trẻ học lực khá, không có trẻ học lực yếu.

Hiện tại, Làng cũng đang gặp khó trong việc tuyển chọn các mẹ, các dì vào chăm sóc trẻ. “Theo quy định của SOS, các mẹ, các dì chăm sóc trẻ của Làng phải là những người đơn thân, không chồng, không con để các mẹ toàn tâm toàn ý với các con nên rất khó để tuyển dụng. Nhiều mẹ vào làm không chịu được sự ràng buộc đã xin nghỉ. Hơn nữa, chế độ tiền lương chi trả so với mặt bằng chung bên ngoài còn thấp nên chưa thu hút được các mẹ, các dì gắn bó với Làng. Vì vậy, Làng có 12 nhà nhưng mới chỉ có 8 nhà hoạt động”-anh Hải cho biết thêm. Về vấn đề này, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Sở sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền để những người có nguyện vọng được chăm sóc trẻ biết đến và tham gia. Trong trường hợp nếu không tuyển được mẹ và dì trên địa bàn tỉnh, Sở sẽ phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh bạn như Kon Tum, Đak Lak… để tìm mẹ và dì cho các trẻ, để các trẻ mồ côi sớm được đưa vào Làng, được che chở và xoa dịu những mất mát, thiếu thốn.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm