Đak Đoa: Cảnh báo tình trạng vị thành niên phạm pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt là hành vi trộm cắp tài sản. Hoạt động của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà có sự chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi.
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đak Đoa xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, gây bức xúc trong dư luận. Qua điều tra của Công an huyện, thủ phạm gây ra nhiều vụ án là trẻ vị thành niên.
Điển hình như vụ trộm cắp tài sản để bán lấy tiền mua ma túy đá sử dụng do 3 đối tượng V.A.K. (SN 2007), N.Q.Q. (SN 2003, cùng trú tại xã Kdang, huyện Đak Đoa) và H.Q.H. (SN 2006, trú tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) gây ra. Theo đó, sáng 6-11, Công an xã Kdang tiếp nhận cùng lúc 2 tin báo của ông N.H.V. và ông N.C.C. về việc bị kẻ gian lấy trộm máy bơm nước tại rẫy cà phê của gia đình. Nhận định sự việc mới xảy ra nên Công an xã Kdang nhanh chóng đến hiện trường kiểm tra, rà soát đối tượng nghi vấn để tổ chức truy xét. Qua theo dõi, Công an xã phát hiện khoảng 13 giờ cùng ngày, K. điều khiển xe máy BKS 81B2-685.75 chở theo 1 máy bơm nước đi bán. Ngay sau đó, Công an xã đã triệu tập K. về trụ sở và phối hợp với Công an huyện Đak Đoa tiến hành đấu tranh để làm rõ. K. khai nhận: Vào khoảng 1 giờ sáng 6-11 đã cùng với H. và Q. trộm cắp 2 máy bơm của 2 hộ dân nói trên. Trong 3 đối tượng này, K. và H. đều bỏ học và có “thâm niên” sử dụng ma túy đá.
Một trường hợp vị thành niên phạm pháp nữa là đối tượng Hyiu (SN 2009 trú tại làng Hlang, xã Hnol). Chỉ trong tháng 7-2021, Hyiu đã thực hiện 3 vụ trộm cắp điện thoại, xe máy, tiền của người dân tại xã Kdang, Glar để bán lấy tiền chơi game.
Nhóm đối tượng Q (trái qua), H. và K. trộm cắp máy bơm nước để có tiền mua ma túy sử dụng. Ảnh: Lê Anh
Nhóm đối tượng Q, H. và K. (từ trái sang) trộm cắp máy bơm nước để có tiền mua ma túy sử dụng. Ảnh: Lê Anh
Hoặc vụ án trộm cắp do 8 đối tượng (trong đó có 5 đối tượng chưa thành niên) cùng trú tại xã Ia Băng gây ra. Trong tháng 6 và 7-2021, các đối tượng đã trộm cắp 1 xe máy, 4 máy bơm nước của người dân trên địa bàn huyện để bán lấy tiền ăn nhậu và mua ma túy sử dụng. 
Qua phân tích của Công an huyện Đak Đoa, trong số những vụ trộm mà đơn vị phát hiện, các đối tượng không hoạt động đơn lẻ mà tập trung thành nhóm. Hành vi phạm tội ngày càng chuyên nghiệp, táo tợn. Tài sản mà các đối tượng vị thành niên trộm cắp ngày càng có giá trị lớn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đak Đoa xảy ra 11 vụ trộm cắp tài sản liên quan đến 10 đối tượng là vị thành niên, tăng 4 vụ, 7 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020. Tình trạng vị thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân như: phần lớn gia đình các đối tượng có cha mẹ ly hôn, bạo lực, rượu chè, thiếu quan tâm, chăm sóc, để kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chưa thường xuyên, còn lỏng lẻo. Ngoài ra, hiện nay, do tác động của phim ảnh bạo lực, đồi trụy và sự bùng nổ của mạng xã hội nhưng thiếu sự kiểm soát của gia đình dẫn đến suy nghĩ, hành động tiêu cực của người chưa thành niên.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: “Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng vị thành niên vi phạm pháp luật, ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và gia đình. Các cấp chính quyền cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với lứa tuổi thanh-thiếu niên. Đồng thời, phía nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường và phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với gia đình trong việc trao đổi thông tin để cùng quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện”.
Cũng theo Thiếu tá Tuấn, các ngành, đoàn thể cần tạo điều kiện và hỗ trợ để các em học sinh đã nghỉ học, đến độ tuổi lao động đi học nghề tại các trường đào tạo nghề hoặc các lớp dạy nghề tại địa phương. Đồng thời, tìm cơ hội việc làm để giúp các em làm quen với cuộc sống tự lập. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi bổ ích cho các thanh-thiếu niên, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội và trò chơi thiếu lành mạnh.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm