Cảnh báo tình trạng đào gốc bằng lăng ở đèo Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, tại những cánh rừng thuộc khu vực đèo Mang Yang (tỉnh Gia Lai) rộ lên tình trạng người dân đào trộm gốc bằng lăng về làm cây cảnh. Đây là hành vi xâm hại tài nguyên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.
Có mặt tại khu vực đèo Mang Yang vào những ngày giữa tháng 7-2020, chúng tôi thấy nhiều nhóm người điều khiển xe gắn máy từ quốc lộ 19 rẽ vào các con đường mòn tiến vào rừng. Sau đó, những người này tỏa đi khắp cánh rừng tìm kiếm gốc bằng lăng để đánh dấu trước khi khai thác. Khi đã xác định được mục tiêu, họ dùng xà beng, rìu, dao rựa đào bới, thậm chí dùng cưa máy để cắt tỉa bằng lăng tại chỗ.
Nhiều cây bằng lăng bị cắt rễ, bứng gốc rồi mang ra tập kết ven quốc lộ 19 để xe máy cày vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Chiều 15-7, chúng tôi phát hiện một bãi tập kết gốc bằng lăng ở cánh rừng tại đèo Mang Yang, cách quốc lộ 19 khoảng 100 m. Tại đây có khoảng 10 cây bằng lăng đường kính khoảng 30 cm. Tuy nhiên, đến sáng 16-7, khi quay lại hiện trường thì toàn bộ số cây này đã được đưa đi nơi khác.
Tại hiện trường chỉ còn phần ngọn và cành của cây bằng lăng bị người dân cưa bỏ lại. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Tại hiện trường chỉ còn phần ngọn và cành cây bằng lăng bị người dân cưa bỏ lại. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Từ điểm tập kết này đi ngược vào rừng, chúng tôi phát hiện hàng chục hố đất có đường kính khoảng 2 mét. Trên nền đất còn vương vãi rễ, cành, ngọn bằng lăng bị cắt bỏ lại và vết đất đào xới vẫn còn tươi mới. Chỉ trong một khu vực rộng chưa đầy 2 ha cách quốc lộ 19 khoảng 1 km đã có gần 50 gốc cây bằng lăng bị đào trộm. Để phục vụ cho việc đào gốc bằng lăng, họ sẵn sàng đốn hạ những cây rừng xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, một người đàn ông tên T. cho hay: Ông ở Bình Định nhưng lên xã Hà Tam (huyện Đak Pơ) sinh sống bằng nghề đào cây cảnh. “Trước đây, tôi đi tìm đào mai rừng, nhưng nay gần như hết rồi. Hiện gỗ bằng lăng đang “ăn” hàng mạnh nên tôi chuyển sang đào loại cây này. Những gốc bằng lăng chu vi hơn 100 cm là người ta mua hết. Tôi đào rồi thuê người bốc lên xe chuyển về Bình Định. Có loại thì mang về để ươm, ghép hoa tường vi vào, có loại thì giữ nguyên. Khi nào gom đủ container sẽ vận chuyển ra phía Bắc tiêu thụ. Khách hàng ngoài Bắc nhiều lắm nên có bao nhiêu cũng hết”-ông T. tiết lộ.
Rừng bị đào xới nham nhở để lấy bằng lăng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Rừng bị đào xới nham nhở để lấy gốc cây bằng lăng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Trao đổi với P.V, ông Trần Đức Đại-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang-cho biết: “Đây là hành vi rất đáng lên án vì sẽ làm mất tính đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng. Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn nắm tình hình và phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vi phạm. Nếu phát hiện những đối tượng khai thác cây rừng tự nhiên làm cây cảnh sẽ xử lý. Từ đầu năm đến nay, đơn vị chưa xác minh được cụ thể trường hợp vi phạm nào. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng và ngành chức năng để tuần tra, ngăn chặn việc khai thác cây rừng làm cây cảnh”.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê-thừa nhận: Trên địa bàn có xảy ra tình trạng người dân vào rừng đào trộm gốc bằng lăng. Khi tiếp nhận những hình ảnh do P.V cung cấp, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra và xử lý”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm