Tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án Nhân dân cấp huyện: Hạn chế án oan sai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự cho các Tòa án Nhân dân cấp huyện, những năm qua, Sở Tư pháp Gia Lai đã quán triệt đến từng cán bộ, công chức trong ngành nhận thức đầy đủ, đúng đắn đối với yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện thẩm quyền mới. Tỉnh ủy Gia Lai đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp để kịp thời chỉ đạo các cơ quan tư pháp, các ban ngành hữu quan triển khai đồng bộ các nội dung Nghị quyết, đặc biệt là thực hiện lộ trình tăng thẩm quyền xét xử. Riêng với cấp huyện, mỗi huyện đều phân công Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác tư pháp tại địa phương. Vừa qua, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác giao thẩm quyền xét xử tại một số huyện. Ngoài ra, hàng năm Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân 2 cấp đã thực hiện công tác giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện.

Tính đến cuối tháng 6-2009, tại 9 đơn vị đã được giao thẩm quyền xét xử mới (gồm: Pleiku, An Khê, Chư Pah, Chư Sê, Đak Đoa, Kbang, Ayun Pa, Kông Chro và Đak Pơ) có 193 cảnh sát làm công tác điều tra. Tại Hội nghị tổng kết thực hiện tăng thẩm quyền xét xử, nhiều ý kiến của đại diện các cơ quan tư pháp cấp huyện lại cho rằng: “Đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra viên cấp huyện còn thiếu về biên chế, trình độ, năng lực còn hạn chế, không đồng đều và dàn trải”. Trong 9 Viện Kiểm sát huyện đã tăng thẩm quyền xét xử, chỉ có 6 đơn vị đáp ứng đủ biên chế cán bộ công chức, 3 đơn vị còn lại (Ayun Pa,  Kông Chro, Đak Pơ), mỗi đơn vị còn thiếu một biên chế so với chỉ tiêu được giao. Toàn ngành Tòa án tỉnh đến cuối tháng 6-2009 có 173 cán bộ công chức, trong đó, cán bộ công chức của 9 đơn vị tăng thẩm quyền là 87 người (toàn tỉnh còn thiếu 16 biên chế so với chỉ tiêu). Hiện, 100% thư ký tòa án có kiến thức chuyên ngành luật (trong đó có 84% tốt nghiệp cử nhân luật); 100% Tòa án cấp huyện có đủ 3 thẩm phán nhưng chỉ có 7 đơn vị được phân bổ chức danh như: Kế toán, văn thư, lưu trữ; 6 đơn vị có Chánh án nhưng chưa có Phó Chánh án; 3 đơn vị có Phó Chánh án nhưng chưa có Chánh án. Riêng Hội thẩm Nhân dân toàn tỉnh có 266 người, trong đó có 58 người là nữ (chiếm tỷ lệ 21,8%); 52 hội thẩm là người dân tộc thiểu số (chiếm 19,5%).

Trong 5 năm qua, Tòa án Nhân dân cấp huyện đã thụ lý 9.358 vụ việc các loại, giải quyết 8.567 vụ việc; trong đó các tòa án nhân dân tăng thẩm quyền đã thụ lý 4.880 vụ việc (tính đến ngày 1-7-2009), giải quyết 4.261 vụ việc. Riêng các vụ việc được thụ lý theo thẩm quyền mới là 341 và đã giải quyết được 311 vụ việc (đạt 91,2%)... Chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao và các loại án giải quyết theo thẩm quyền mới hầu như không bị cải sửa, oan sai. Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ công chức đặc biệt là các chức danh tư pháp. Đồng thời thường xuyên trao đổi công tác chuyên môn, tăng cường luân chuyển, biệt phái những cán bộ có năng lực đến giúp cho các đơn vị yếu kém hoặc những đơn vị có số lượng án quá nhiều.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm