Cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Gia Lai. Là tỉnh giàu tiềm năng về du lịch, nhưng để khai thác tiềm năng này có hiệu quả thì còn nhiều vấn đề. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đôi điều về nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố có tính then chốt nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 1.500 lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch. Trong số này, đa phần làm du lịch... tay ngang.

Gia Lai được coi là trung tâm của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hội nhập cùng phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, du lịch được coi là ngành có thế mạnh vượt trội. Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.

 Ngành du lịch Gia Lai giới thiệu chương trình kích cầu du lịch tại Phú Yên. Ảnh: H.N
Ngành du lịch Gia Lai giới thiệu chương trình kích cầu du lịch tại Phú Yên. Ảnh: H.N


Trở lại vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu: Đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm nâng cao trình độ, kiến thức của người lao động, giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức, thái độ của người dân trong cách ứng xử, giao tiếp với khách du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước và sự nghiệp trong ngành du lịch. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch.

Có thể thấy, có rất nhiều vấn đề mà ngành du lịch Gia Lai đặt ra trong giai đoạn trước năm 2020 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2030. Đây là định hướng đúng đắn, song việc triển khai thực hiện mới là vấn đề cần quan tâm.

Là người rất nhiều lần đưa các đoàn khách đến thăm tỉnh về các điểm danh lam thắng cảnh, văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống, chúng tôi nhận thấy các hướng dẫn viên ở đấy có vẻ rất lúng túng hoặc giới thiệu rất sơ sài, chưa nói là có lúc giải thích sai về nhân vật, lịch sử, về danh lam thắng cảnh, địa danh, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán. Chưa nói đến việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh của quê hương, địa phương trên các lĩnh vực càng không làm được.

Còn nhớ, năm 2009, tôi đưa đoàn nhà báo của tỉnh đi tham quan, học tập tại một số địa phương của Thái Lan. Trên đường đi, hướng dẫn viên rất lúng túng khi giải thích về những điều mà các thành viên trong đoàn đề cập. Có lẽ anh lái xe biết tiếng Việt nên báo về công ty và chỉ sau vài giờ họ đổi ngay hướng dẫn viên khác. Lao động trong ngành du lịch nói chung, hướng dẫn viên nói riêng cần có trình độ tổng hợp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày một vấn đề, sự kiện về những điều mà khách cần tìm hiểu. Có người ví hướng dẫn viên du lịch như đại sứ đại diện cho một quốc gia, là cầu nối hữu nghị của nước chủ nhà với khách về sự tiếp cận, thấu hiểu, hợp tác, chia sẻ những vấn đề khách và chủ quan tâm, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử...

Quan trọng là vậy, nhưng thực trạng đội ngũ những người làm du lịch nói chung và hướng dẫn viên nói riêng của ta chưa được quan tâm đào tạo toàn diện về kỹ năng và kiến thức tổng hợp. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, việc bảo tồn, trùng tu, quảng bá chưa được quan tâm đúng mức; nhiều nơi xuống cấp trầm trọng; tư liệu khai thác, tài liệu phục vụ cho việc giới thiệu, thuyết minh, quảng bá còn nghèo nàn, đội ngũ hướng dẫn viên thiếu kiến thức và kỹ năng.

Hoa dã quỳ khoe sắc dưới chân núi Chư Đăng Ya.
Hoa dã quỳ khoe sắc dưới chân núi Chư Đăng Ya. Ảnh: Internet


Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên ngành du lịch gặp muôn vàn khó khăn, một số doanh nghiệp còn non trẻ trong nghề lại càng khó khăn hơn. Không ít doanh nghiệp cho biết, những tháng vừa qua, doanh thu bằng... không. Tuy nhiên, nếu biết biến từ “nguy” thành “cơ” thì ắt cái khó không thể bó hết cái khôn.

Trong lúc này, cùng với việc đầu tư chỉnh trang cơ sở lưu trú, các điểm tham quan thì việc đào tạo và tự đào tạo lại đội ngũ những người làm công tác du lịch là cần thiết. Xa hơn, ngành du lịch cần có một chiến lược đào tạo bài bản cho lao động của toàn ngành; tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của ngành “công nghiệp không khói”, mỗi người dân tại các điểm đến là mỗi hướng dẫn viên du lịch, góp phần tạo bầu không khí thân thiện, mến khách, làm vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi.

Có làm được những việc nói trên thì mới có thể góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra cho ngành du lịch tỉnh nhà là đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng về lượt khách bình quân đạt 16,8%, tổng thu của ngành du lịch đến năm 2025 đạt 1.400 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân toàn ngành là 18,6%.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.