Cô đỡ góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ sáng kiến của GS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) về chương trình “Đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số”, đến nay, Gia Lai đã xây dựng được đội ngũ cô đỡ lành nghề, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giảm thiểu tai biến sản khoa 
Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tập trung đào tạo kỹ năng thực hành, thời gian đào tạo từ 3 đến 6 tháng, từ năm 1998 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được 218 cô đỡ, trong đó có 103 cô được đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ. Công tác tập huấn, đào tạo lại cũng được triển khai thường xuyên. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có 52 cô đỡ được đào tạo cập nhật, góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa ngay tại cộng đồng.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tặng quà các cô đỡ thôn bản tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tặng quà các cô đỡ thôn bản tiêu biểu của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Có thâm niên làm cô đỡ 14 năm, bà Kpă H’Bin (làng Lok, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) được mọi người tín nhiệm, tin yêu. Bà H’Bin kể: “Tôi làm cô đỡ từ năm 1998. Chứng kiến nhiều phụ nữ vùng sâu, vùng xa đẻ rơi dọc đường vì không kịp đến trạm y tế hoặc có người âm thầm vượt cạn tại nhà mà không ai trợ giúp nên tôi học làm cô đỡ để giúp chị em.
Tôi được tham gia lớp đào tạo cô đỡ của Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã có được những kiến thức căn bản để áp dụng vào thực tế công việc. Tôi đã đỡ đẻ thành công tại nhà cho nhiều chị em trong làng và những làng lân cận”.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 5 năm (2016-2020),  toàn tỉnh có hơn 8.200 phụ nữ được cô đỡ thăm khám thai; 984 phụ nữ mang thai có nguy cơ cao được cô đỡ phát hiện; trên 6.800 phụ nữ có thai được cô đỡ giới thiệu lên tuyến trên; hơn 2.100 ca sinh đẻ tại nhà được hỗ trợ và có 24 ca tai biến sản khoa được cô đỡ xử trí ban đầu.

Theo bà H’Bin, trước đây, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ tại nhà còn cao. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều người đã đến cơ sở y tế để thăm khám, sinh con. “Thường thì mình khám thai và hướng dẫn, vận động chị em nên sinh đẻ tại trạm y tế xã hoặc cơ sở y tế cho an toàn, hạn chế sinh đẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu có chị em sinh tại nhà thì mình sẽ trợ giúp với điều kiện sinh thường, không có nguy cơ. Một số trường hợp nguy cơ cao nhưng nhờ phát hiện, tư vấn chuyển lên cơ sở y tế kịp thời đã giúp họ sinh đẻ an toàn. Riêng năm 2020, mình đã hỗ trợ 8 ca sinh tại nhà an toàn”-bà H’Bin cho biết.

Niềm vui khi làm cô đỡ
Gần 60 tuổi nhưng bà H’Bin vẫn còn nhanh nhẹn và tháo vát. Ngoài làm cô đỡ, bà còn phụ trách công tác y tế thôn, cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình. “Tuy phụ cấp thấp nhưng tôi rất vui vì giúp được mọi người. Chỉ mong mình có sức khỏe để làm việc, giúp cho nhiều người hơn”-bà H’Bin thổ lộ.
Bà Kpă H’Bin (ở giữa; thôn Pleilok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) được nhà tài trợ trao tặng xe gắn máy để có phương tiện đi lại trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện
Bà Kpă H’Bin (ở giữa; làng Lok, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) được nhà tài trợ trao tặng xe máy để có phương tiện đi lại trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng. Ảnh: Như Nguyện
Cũng với suy nghĩ giúp đỡ chị em phụ nữ trong làng, chị Kpă H’Nga (làng Toan 1, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) nhận làm cô đỡ từ năm 2005. Đến nay, chị Kpă H’Nga đã giúp cho gần 100 thai phụ sinh tại nhà. Trong đó, nhiều ca sinh khó nhưng đỡ đẻ thành công bảo toàn tính mạng cả mẹ và con.
“Tôi nhớ một ca sinh khó tại làng Hbel vào năm 2007. Bà mụ được mời đến nhưng hoàn toàn bất lực. Lúc đó, tôi đang làm ở rẫy. Nhận được tin, tôi liền đi ngay và sau đó hỗ trợ thành công, bé chào đời an toàn, mẹ qua cơn nguy kịch”-chị Kpă H’Nga kể.
Xã Ia Kdăm chỉ có mình chị H’Nga làm cô đỡ và phụ trách hỗ trợ 7 thôn, làng. Làng xa trung tâm xã đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tuy vậy, khi có thông tin cần giúp đỡ là chị lập tức lên đường không kể đêm hôm. “Người dân còn nhiều khó khăn nên tình trạng sinh đẻ tại nhà vẫn còn cao. Mình cố gắng tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con hiểu, hạn chế sinh đẻ tại nhà”-chị H’Nga chia sẻ.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ: Khi còn làm ở Bệnh viện Từ Dũ, bà thường xuyên đi công tác tại các tỉnh Tây Nguyên và nhiều lần nghe kể về những trường hợp rủi ro do thai phụ sinh tại nhà. Từ đó, bà quyết tâm đào tạo đội ngũ cô đỡ là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện hiệu quả công tác kế hoạch hóa gia đình và sinh đẻ an toàn. Đến năm 2005, trước khi nghỉ hưu, bà đã đào tạo được 875 cô đỡ cho Tây Nguyên.
“Cô đỡ thôn bản hoạt động rất tốt, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nên chế độ trợ cấp cho các cô đỡ còn ít. Mong địa phương quan tâm hỗ trợ thêm để các cô đỡ yên tâm gắn bó với nghề”-GS-TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đề xuất.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.