Vui hè cùng tiếng cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịp hè, thanh-thiếu niên ở các thôn, làng vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số đã tự tạo sân chơi bổ ích thông qua việc tham gia đội cồng chiêng.
Vào dịp cuối tuần mỗi tháng, tiếng cồng chiêng tại làng Del (xã Ia Glai, huyện Chư Sê) lại ngân lên. Tuy mới thành lập được 1 năm nhưng đội cồng chiêng làng Del đã thu hút 31 thành viên từ 13 đến 35 tuổi tham gia.
Thành phố Pleiku tích cực duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng nhí tại các thôn làng thông qua các cuộc thi. Ảnh: Ngọc Thu
Thành phố Pleiku tích cực duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng nhí tại các thôn làng thông qua các cuộc thi. Ảnh: Ngọc Thu
Ngồi cạnh các anh chị trong đội cồng chiêng, em Kpă Mên (15 tuổi) chăm chú lắng nghe từng tiếng cồng, tiếng chiêng đang ngân lên. Với Mên, dịp hè, ngoài thú vui cùng bạn bè chơi đùa, tắm mưa thì được đánh cồng chiêng là một hoạt động thú vị, khơi dậy sự tò mò, ham hiểu biết trong em. “Không buổi tập nào của đội cồng chiêng mà em vắng mặt cả. Được tham gia sinh hoạt cùng các anh chị, em cảm thấy rất vui”-Mên bày tỏ.
Hiện nay, 12/15 xã, thị trấn ở huyện Chư Sê có đội cồng chiêng, mỗi đội khoảng 30 người. Theo anh Nay Winh-Phó Bí thư Huyện Đoàn, việc thành lập đội cồng chiêng thanh-thiếu niên đã tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên có môi trường để rèn luyện, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc tập đánh các bài chiêng cổ. Ngoài ra, huyện Chư Sê cũng hỗ trợ mỗi đội cồng chiêng 5 triệu đồng để khuyến khích thanh-thiếu niên tham gia, duy trì các hoạt động bổ ích.
Việc hình thành và duy trì những đội cồng chiêng thanh-thiếu niên luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đặc biệt là của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt sôi nổi, hiệu quả, thu hút đông đảo thanh-thiếu niên tham gia sinh hoạt như TP. Pleiku và các huyện: Chư Pah, Chư Sê, Kông Chro, Kbang… Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh có gần 50% trẻ em trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng là đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần các em sau khi kết thúc năm học sẽ cùng tham gia sinh hoạt chi đoàn tại địa phương. Nhằm giúp trẻ em tại các xã vùng sâu có một mùa hè an toàn và bổ ích, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn cơ sở hình thành và duy trì đội cồng chiêng của thanh-thiếu niên. Đây là một trong những hoạt động sinh hoạt hè lành mạnh, ý nghĩa; qua đó góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: “Việc thành lập đội cồng chiêng tại các địa phương đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và ý nghĩa cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số trong dịp hè. Để duy trì hoạt động này có hiệu quả, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các điểm sinh hoạt hè tại cơ sở tạo sân chơi an toàn cho các em, trong đó có hoạt động cồng chiêng. Khuyến khích địa phương nào cũng có đội cồng chiêng và sinh hoạt cồng chiêng ít nhất mỗi tháng một lần. Đồng thời, tổ chức các buổi liên hoan cồng chiêng cấp huyện, từ đó mỗi huyện sẽ chọn một đội cồng chiêng tiêu biểu để tham dự liên hoan cồng chiêng cấp tỉnh (tổ chức 2 năm/lần) để các em được giao lưu, học hỏi văn hóa giữa các vùng miền, thôi thúc niềm đam mê với cồng chiêng và duy trì văn hóa đặc sắc của địa phương mình”.
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.