Mùa hè của trẻ em thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi lũ trẻ bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc nhiều phụ huynh phải lo sắp xếp chỗ gửi con, nhất là với những gia đình sống ở thành phố. Trẻ sống trong môi trường đô thị, không gian sống chật hẹp, nhịp sống nhanh và sôi động.

Các em được hưởng những điều kiện thuận lợi về kinh tế-xã hội, có điều kiện học tập và tiếp xúc sớm với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để phát triển trí tuệ. Nhưng mặt trái của môi trường đô thị là những tệ nạn xã hội luôn rình rập, khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, luôn phải “để mắt” đến con cái mọi lúc, mọi nơi. Khoảng thời gian đi học thì yên tâm đã có nhà trường quản lý. Nhưng bước vào kỳ nghỉ hè dài cả mấy tháng quả là thách thức không nhỏ với nhiều phụ huynh, nhất là với những người là công chức nhà nước hoặc làm việc trong môi trường đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian.

 

Các em thiếu nhi học bơi trong dịp hè 2018. Ảnh: Phan Lài
Các em thiếu nhi học bơi trong dịp hè 2018. Ảnh: Phan Lài

Nhiều ông bố, bà mẹ chọn giải pháp xin nghỉ phép để trông con. Nếu gia đình có điều kiện thì đưa con đi du lịch vài hôm coi như phần thưởng cuối năm học và cũng là dịp để cả nhà quây quần bên nhau. Có những gia đình thì cho con đi chơi công viên, hồ bơi, đi ăn uống loanh quanh trong thành phố để tiết kiệm chi phí… Nhưng kỳ nghỉ phép của phụ huynh nhiều nhất cũng chỉ kéo dài độ 20 ngày, còn sau đó lại đối mặt với nỗi lo tìm chỗ gửi con. Nhà thì đem con gửi tạm ông bà (điều này lý tưởng nhất), trong nhà có anh chị lớn hơn thì trông em, không thì tìm một nhóm trẻ nào đó gửi tạm…

Trẻ em thành phố, ngoài giờ học, nhiều em cũng chỉ biết quanh quẩn với ti vi, ipad, điện thoại, với những trò chơi giải trí gắn với những thiết bị điện tử hiện đại. Ở những khu dân cư có không gian rộng rãi, an toàn thì cuối chiều, bọn trẻ thường tập trung chơi đá bóng hoặc vài trò chơi tập thể khác, nhưng cũng không thật sự thoải mái vì vừa chơi vừa phải canh chừng xe cộ. Trước kỳ nghỉ hè, các trường đã bàn giao học sinh về sinh hoạt tại địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động sinh hoạt hè tại địa phương cũng chưa thực sự được chú trọng đầu tư để phát huy vai trò thực sự là tạo sân chơi cho thiếu nhi.

Thỉnh thoảng có thời gian, tôi hay tranh thủ cho các con về vùng nông thôn vài hôm. Không hẳn vì mình là người hay hoài niệm, mà tôi muốn thực sự tạo cho các con những kỷ niệm tuổi thơ, tạo sự cân bằng giữa học tập và vui chơi giải trí, để các con được “thoát” hẳn khỏi môi trường thành phố hiện đại, ồn ào, để chúng có sự so sánh, hiểu thêm những giá trị của cuộc sống quanh mình. Về nông thôn, chúng cũng theo bạn đi chăn bò, đi mò cua bắt ốc, lội ruộng cắt lúa say mê thích thú vô cùng. Thế mới biết, cái mà trẻ em thành phố thiếu chính là môi trường, nếu có môi trường để thể hiện thì chúng nhập cuộc cũng nhanh và khéo chẳng kém gì những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn.

Kỳ nghỉ hè đã đến, những người làm cha làm mẹ, ngoài nỗi lo công việc thì lại tất bật với nỗi lo: Làm thế nào để cùng con đi hết kỳ nghỉ trong sự phù hợp và an toàn?

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.