Cần sớm xử lý các "điểm đen" về trật tự an toàn giao thông ở TP.Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tận dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã được quy hoạch, xây dựng và chỉnh trang tương đối bài bản. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau, ngay trong lòng đô thị loại I này hiện vẫn còn tồn tại nhiều “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông khiến người dân bức xúc.
Khoảng hơn 1 năm nay, các hộ dân sống trong khu vực cũng như những người tham gia giao thông trên đường Ngô Mây (phường Ia Kring) vô cùng bức xúc trước tình trạng xe ô tô ngang nhiên đậu choán hết lòng đường. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do hạn chế về không gian nên đường Ngô Mây chỉ dài khoảng vài trăm mét, lòng đường chỉ đủ để 2 xe ô tô tránh nhau và một bên không có vỉa hè. Với hiện trạng như vậy, việc lưu thông trên tuyến đường này vốn gặp không ít khó khăn. Đã vậy, hơn 1 năm qua, đường Ngô Mây thường xuyên rơi vào cảnh kẹt xe cục bộ bởi nhiều ô tô ngang nhiên đậu tràn ra cả lòng đường. Đặc biệt, vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần hoặc các ngày lễ, Tết, con đường nghiễm nhiên trở thành bãi đậu xe ô tô của một quán cà phê gần đó. “Chướng tai gai mắt” là vậy, vi phạm pháp luật giao thông là vậy, nhưng tịnh không thấy lực lượng chức năng có biện pháp gì. Trong khi đó, hàng ngày, xe của lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự thành phố và lực lượng dân phòng của phường Ia Kring vẫn diễu qua lại khu vực này?!
Nhiều năm qua, khu vực chợ Bà Định (phường Yên Đổ) đã trở thành “ác mộng” đối với người tham gia giao thông khi có việc phải qua đây. Từ sáng sớm đến trưa, gần như toàn bộ các tuyến đường đi qua khu vực này như: Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành, Hồ Xuân Hương… biến thành nơi mua bán các mặt hàng tươi sống. Không chỉ gây cản trở, ùn tắc giao thông, chợ tự phát này còn gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống của cư dân trong vùng. Trả lời báo chí, đại diện chính quyền phường Yên Đổ từng thừa nhận: Sự tồn tại của chợ tự phát này đã phát sinh không ít vấn đề phức tạp liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương đã từng xây dựng phương án di dời nhưng bất khả thi. Liệu “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông và môi trường này còn tồn tại đến bao giờ?
Khu vực chợ Bà Định thường xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Duy Lê
Khu vực chợ Bà Định thường xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Duy Lê
Ngoài 2 “điểm đen” kể trên, TP. Pleiku hiện còn khá nhiều điểm kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ ô tô gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông như: khu vực chợ đêm Pleiku (đường Nguyễn Thiện Thuật và Hoàng Văn Thụ), khu vực chợ Biển Hồ… Tuy vậy, theo chúng tôi, vấn đề đáng lưu tâm nhất hiện nay là những “điểm đen” cố hữu trong ý thức người dân thành phố. Đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán và nghiễm nhiên xem vỉa hè thuộc sở hữu của cá nhân mình. Trước đây, chính quyền thành phố cũng như các xã, phường đã từng tổ chức nhiều đợt ra quân với mục đích giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian “trống giong cờ mở”, rốt cục người đi bộ vẫn bị đẩy xuống lòng đường. Đường phố vẫn nhộn nhạo người xe lẫn với kẻ buôn người bán, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Ở chiều ngược lại, không ít người tham gia giao thông ở Phố núi vẫn còn tồn tại những “điểm đen” cần giải tỏa như: thiếu ý thức chấp hành pháp các quy định về trật tự an toàn giao thông, hổng kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, không tôn trọng văn hóa giao thông…
Pleiku đã là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Vì vậy, tất cả các ngành, lĩnh vực và mọi mặt đời sống xã hội phải trở thành loại I hoặc chí ít cũng hướng đến mục tiêu này. Và trong hành trình vươn đến các tiêu chí hàng đầu, trước mắt, cả hệ thống chính trị và người dân thành phố cần sớm loại bỏ và xử lý dứt các “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông!
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.