Tỉnh lộ 664: "Điểm đen" vi phạm hành lang an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỉnh lộ 664 dài 58 km từ TP. Pleiku đi qua 5 xã, thị trấn và kết thúc tại xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Tuyến đường này thường xảy ra vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT). Đây cũng là “điểm đen” về tình trạng họp chợ tự phát hai bên đường và thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Nhức nhối nạn họp chợ, vi phạm hành lang ATGT
Dù các xã dọc tỉnh lộ 664 đã được xây dựng hoặc quy hoạch chợ nông thôn mới nhưng dọc tuyến vẫn tồn tại khá nhiều điểm họp chợ tự phát, nhất là đoạn qua các xã: Ia Dêr, Ia Tô, Ia Krai, Ia O. Trong đó, nhức nhối nhất là khu chợ tự phát trước trụ sở Công ty Cà phê 705 (thôn 1, xã Ia Krai). Chợ tồn tại từ nhiều năm nay. Ban đầu, chợ chỉ họp vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, nhưng nay cảnh mua bán gần như diễn ra suốt ngày, phạm vi họp chợ cũng ngày một nối dài, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất ATGT.
Ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-xác nhận: “Giờ họp chợ thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc cục bộ tại khu vực này. Bởi cách chợ tự phát độ vài trăm mét có 3 trường học với hàng ngàn học sinh. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, thậm chí xử lý một số trường hợp vi phạm nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện”. 
Người dân địa phương cho hay: Vào trưa 15-10, gần khu vực họp chợ xảy ra tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải và xe đạp điện khiến 1 nữ sinh tử vong. Ngoài ra, các vụ va chạm giao thông nhẹ thì khó thống kê hết.
Chợ tự phát tại ngã ba làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai)). Ảnh: Lê Hòa
Chợ tự phát tại ngã ba làng Lân (xã Ia O, huyện Ia Grai)). Ảnh: Lê Hòa
Gần đây, tại khu vực ngã ba làng Lân (xã Ia O) hình thành một khu chợ tự phát nhóm họp vào một số ngày trong tuần. Có mặt tại đây vào sáng 10-11, chúng tôi thấy có đến hàng chục sạp hàng quần áo, giày dép, hàng tươi sống, đồ gia dụng… được bày bán hai bên đường. Người bán, người mua tấp nập. Chợ tự phát này kéo dài từ Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đến ngã ba làng Lân.
Theo quy định, các tuyến tỉnh lộ đều có chỉ giới hành lang an toàn đường bộ là 15 m tính từ tim đường. Tuy nhiên, tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc nằm trong chỉ giới hành lang ATGT đường bộ diễn ra rất phổ biến, có gia đình còn làm mái che, tường rào cách mép đường chỉ vài bước chân. Điều này làm mất đi sự thông thoáng, ảnh hưởng tầm nhìn của người tham gia giao thông. 
Cần vào cuộc quyết liệt
Ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện-cho biết: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dọc tỉnh lộ 664 được cấp những năm 90 thì chỉ giới đường bộ là 8-10 m. Sau khi công bố chỉ giới mới, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trên tuyến, đặc biệt là các xã trọng điểm: Ia Dêr, Ia Tô, Ia Krai, Ia O tuyên truyền người dân không xây dựng mới nhà cửa, vật kiến trúc trong phạm vi chỉ giới đường bộ. Với các hộ đã vi phạm, chúng tôi từng bước vận động tháo dỡ, hoàn trả chỉ giới”.
Công an xã Ia Krái kẻ vạch sơn đánh dấu phạm vi giới hạn buôn bán để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh Lê Hòa
Công an xã Ia Krai kẻ vạch sơn đánh dấu phạm vi giới hạn buôn bán để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Lê Hòa
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các địa phương đã tiến hành xử lý tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ. “Ủy ban nhân dân xã Ia Krai đã chỉ đạo lực lượng Công an xã, cán bộ địa chính tiến hành đo đạc, kẻ vạch sơn chỉ giới trong phạm vi 10 m từ tim đường đối với khu vực chợ tự phát họp phía trước trụ sở Công ty Cà phê 705. Đồng thời, yêu cầu 78 hộ kinh doanh, buôn bán tại đây không họp chợ trong phạm vi đã kẻ vạch và tháo dỡ các công trình vi phạm”-Chủ tịch UBND xã Ia Krai thông tin.
Để tránh tình trạng tái lấn chiếm, mới đây, UBND xã Ia Krai yêu cầu Công an xã bố trí lực lượng túc trực tại khu vực chợ tự phát trước trụ sở Công ty Cà phê 705 vào các khung giờ cao điểm. Công ty Cà phê 705 cam kết không tiếp tục cho thuê mặt bằng để kinh doanh, buôn bán tại khu vực này. Ngoài khu chợ tự phát trên, UBND xã Ia Krai cũng ghi nhận có 62 hộ kinh doanh, buôn bán tại khu vực thị tứ Ia Krai và thôn 3 thường xuyên vi phạm chỉ giới ATGT đường bộ. 
Còn tại khu vực chợ tự phát ngã ba làng Lân, ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho hay: Xã đã tiến hành họp các hộ dân có công trình vi phạm chỉ giới và yêu cầu ký cam kết. Trước mắt, xã sẽ vận động người dân tự giác tháo dỡ, nếu hộ nào không chấp hành sẽ báo cáo UBND huyện có phương án xử lý phù hợp.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.