Đất không cùng mục đích sử dụng, có được phép hợp thửa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rất nhiều người có nhu cầu hợp thửa đất không cùng loại để sử dụng phù hợp. Nhưng, không cùng mục đích sử dụng có sáp nhập đất được không?
Muốn hợp thửa, đất phải cùng mục đích sử dụng
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013, thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Khoản 2 Điều 8 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định:
Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, nếu muốn hợp các thửa đất liền kề thì các thửa đất đó phải chung mục đích sử dụng. Trường hợp các thửa đất liền kề không cùng mục đích sử dụng thì phải chuyển về cùng một loại đất.
 
Đất chung mục đích sử dụng mới được hợp thửa (Ảnh minh họa: HL)
Đất chung mục đích sử dụng mới được hợp thửa (Ảnh minh họa: HL)

Thủ tục hợp thửa đất không cùng mục đích sử dụng

Để chuyển mục đích sử dụng đất, người sử dụng phải xem loại đất mình sử dụng thuộc trường hợp có phải xin phép hay không? Nếu thuộc trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và thực hiện theo các bước sau:
Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, mang chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân xuất trình khi có yêu cầu.
Trình tự thực hiện thủ tục
1. Nộp hồ sơ tại phòng Tài nguyên và Môi trường.
2. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, phòng Tài nguyên và Môi trường phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Tiếp đó trình UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
4. Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Lưu ý, thời hạn thực hiện không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
TRANG THIỀU (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/dat-khong-cung-muc-dich-su-dung-co-duoc-phep-hop-thua-848995.ldo

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...