Sài Gòn 45 năm trước...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 1975, tôi đang là sinh viên năm 3 của Học viện Quốc gia Nông nghiệp (Sài Gòn). Trường tọa lạc ngay khu “tam giác sắt” với 2 “cạnh” còn lại là Đại học Văn khoa và Đại học Dược khoa. Cái tên “tam giác sắt” là do phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn đặt cho, bởi đây là nơi khởi xướng rất nhiều cuộc biểu tình, bãi khóa, những sự kiện thấm đẫm mùi hơi cay, dùi cui, gậy gộc và bắt bớ mà tôi từng chứng kiến.



Ngay tuần lễ nhập môn, tôi đã trúng cử chức Chủ tịch Ban đại diện sinh viên của khóa. Dù chẳng phải sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nhưng sống giữa bất công, nhũng nhiễu và thối nát về chính trị của một Sài Gòn cũ, tôi như bị cuốn vào những hoạt động đấu tranh ấy. Rất ngẫu nhiên, tôi chơi thân với các anh chị khóa đàn anh. Hình như đã có một sự phân công dìu dắt từ tổ chức bí mật của phong trào mà sau này tôi mới biết, khi các anh chị ra mặt công khai hoạt động vào những ngày cuối tháng 4-1975.

 Nhân dân chào đón Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn (ảnh tư liệu).
Nhân dân chào đón Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn (ảnh tư liệu).



Tháng 3-1975, chiến sự ngày càng khốc liệt, mùi thuốc súng và tiếng đại bác đã gần lắm rồi, báo hiệu một ngày không xa chiến tranh sẽ đến giữa lòng phố thị. Đến giữa tháng 3, chính quyền Sài Gòn bỏ Tây Nguyên với lệnh “di tản chiến thuật”. Tôi thật sự lo lắng khi cha mẹ, anh chị em, bạn bè đều đang ở trên ấy. Nỗi lo là không tránh khỏi khi hòn tên mũi đạn thật vô tình. Ngày 17-3, tôi biết tin về cuộc rút chạy trên đường 7 và Pleiku đã được giải phóng qua báo chí Sài Gòn. Thông tin nhiễu loạn làm dân Pleiku sống xa nhà khá hoang mang, ngày nào cũng gặp nhau đoán già đoán non về tình hình quê nhà. Lúc này, các tổ chức bí mật của phong trào học sinh, sinh viên gần như hoạt động công khai, tôi được giao tập hợp các sinh viên “chiến nạn” để được hỗ trợ rất thiết thực cho cuộc sống như bữa ăn miễn phí hàng ngày.

Khoảng 8 giờ sáng 8-4, khi đang học môn Anh văn trong giảng đường, tôi bỗng nghe tiếng gầm rú vụt ngang qua gần lắm, rồi tiếng bom nổ như ngay bên cạnh trường. Đó là sự kiện phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập bằng chiếc F-5E của không quân Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau này, tôi có dịp gặp ông Trung, nghe ông kể chi tiết về việc này thì thấy đúng là một giai thoại. 

Ngày 26-4, đúng ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành, một thông tin hiếm hoi nhưng đáng tin cậy báo cho biết, toàn bộ gia đình tôi an toàn và Pleiku vẫn còn gần như nguyên vẹn dù phải dọn dẹp rất nhiều thứ. Chính quyền mới cũng đang làm tất cả để ổn định tình hình thị xã.

Ngày 29-4, tôi đạp xe dạo quanh những điểm nóng trong thành phố với sự liều lĩnh có thừa của một thanh niên tuổi 20 hòng được là “chứng nhân” một thời điểm lịch sử. Và sự thực là tôi đã tận mắt chứng kiến cơn hấp hối của Sài Gòn, tất cả đúng như mô tả của nhà báo Pháp Paul Drayfrus “thành phố này đã gần như điên loạn và đang chứng kiến sự kết thúc của một chế độ”.

Sáng 30-4, tôi tiếp tục liều lĩnh chạy ra ngã tư Bảy Hiền, nơi tiếng súng trước đó vẫn còn dồn dập. Ở hướng này, quân Giải phóng bắt đầu tiến vào Sài Gòn. Tôi dắt xe men theo họ, xe tăng, xe quân sự và lính tráng dắt xe đạp thồ ăm ắp quân trang quân dụng và vũ khí, mặt trẻ măng, đầy vẻ chất phác, hiền lành, điều khó tưởng tượng ở một đoàn quân chiến thắng. Đường sá vương vãi quân phục, vài người mặc quần đùi, áo lót đi ngược chiều, chắc là lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa vừa trút bỏ bộ áo chiến. Bên này, bên kia nhìn nhau mà không chút hận thù trong ánh mắt… Lại một điều khó tưởng tượng. Đến 14 giờ, tôi đã lẫn trong đám đông trước Dinh Độc Lập. Người dân Sài Gòn túm năm tụm ba, vây quanh bộ đội hỏi han đủ chuyện cứ như người thân lâu ngày gặp lại. Lá cờ sao vàng hai nửa xanh đỏ (cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) treo trên trụ cờ mặt tiền của tòa nhà đầy quyền lực này đã ấn định ngày 30-4 đi vào lịch sử đất nước.

Chiều hôm ấy, tôi về trường, trò chuyện cùng một số anh em Quân Giải phóng đóng quân trong khuôn viên. Vài sĩ quan mở mấy lon đồ hộp “chiến lợi phẩm”, bóc thêm vài thanh lương khô, gọi là chút liên hoan. Một anh người Hà Nội nói với đôi mắt nhòe lệ: “Mừng lắm! Thế là chấm dứt hơn 20 năm súng nổ bom rơi!”.

Sẽ có người vui kẻ buồn đấy, một thực tế mà sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975 đã nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn...”. Niềm vui vẫn còn đó, nhưng nỗi buồn thì ngày một nguôi ngoai. Một nhà thơ nổi tiếng, nguyên sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau hơn 40 năm định cư ở Mỹ trong dịp về lại Pleiku đã thốt lên rằng: “Không nhận ra nếu không có các bạn chỉ dấu từng con đường, từng góc phố. Chính sự phồn thịnh của thành phố này đã làm tôi chẳng thể nhận ra, nhưng dứt khoát tôi không phải là anh khách lạ...”.

 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.