Cây an xoa có thật sự giúp 'cải tử hoàn sinh'?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên mạng xã hội lan truyền thông tin về cây an xoa có công dụng giúp 'cải tử hoàn sinh', có thể chữa bệnh ung thư gan, bướu máu... Vậy sự thật về công dụng của loại cây này như thế nào?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cây an xoa có tên khoa học là Helicteres hirsuta Lour, thuộc họ Trôm (Sterculiaceae), bộ Bông (Malvales), còn có tên gọi khác là tổ kén cái, thâu kén lông, cây dó lông.

Cây bụi cao 1-3 mét; bộ phận thường được dùng là thân, rễ và lá. Cây có thể thu hoạch quanh năm, thông thường nên thu hoạch vào khoảng tháng 5 đến tháng 11, vì lúc này cây có sự phát triển mạnh và có nhiều dược tính.

Thành phần và tác dụng của cây an xoa

Thành phần hóa học của cây an xoa có chứa nhiều hoạt chất flavonoid, lignans, pinoresinol, medioresinol, syringaresinol, boehmenan, boehmenan H, stigmasterol... cùng nhiều enzyme và các nguyên tố vi lượng. Trong đó, hợp chất lignans (thuộc nhóm hợp chất phenolic), stigmasterol có khả năng kháng lại các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Còn hoạt chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào miễn dịch.

Hình dáng cây an xoa. Ảnh: CMH

Hình dáng cây an xoa. Ảnh: CMH

Cây an xoa có vị cay, mùi thơm. Trong y học cổ truyền, thân a xoa được dùng làm thuốc chữa ung nhọt; rễ cây được dùng giảm đau, chữa lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc.

Cây có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị ung thư, nhất là ung thư gan. Đồng thời hỗ trợ phòng và điều trị các bệnh về gan như men gan cao, viêm gan, xơ gan... Ở một số nước Đông Nam Á, rễ cây an xoa còn dùng để trị sốt rét và bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, an xoa không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi; không dùng chung với thuốc tây và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

An xoa có thực sự là thần dược?

Hiện nay, sự xuất hiện của các bài viết cũng như thông tin về cây an xoa có thể chữa bệnh ung thư gan trên mạng xã hội đã khiến nhiều người tin rằng an xoa thực sự là một loại thần dược có thể "cải tử hoàn sinh". Thông tin này cũng làm cho nhiều người nghi ngờ về giá trị của loại thảo dược này.

Bác sĩ Vũ cho biết, trên thế giới vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu về cây an xoa. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy hợp chất được chiết xuất từ thân cây an xoa có khả năng chống oxy hóa, hoạt tính bảo vệ gan (giảm mức tăng men gan, giảm tổn thương vi thể trong gan) và có khả năng gây độc dòng tế bào Hep-G2 (tiêu diệt tế bào ung thư gan).

Bác sĩ Vũ nhận định mặc dù cây an xoa có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư (đặc biệt là ung thư gan) và một số bệnh khác nhưng việc thổi phồng an xoa như một thần dược "cải tử hoàn sinh" thì hơi quá, có thể là quảng cáo để trục lợi. Thảo dược an xoa dùng làm thuốc cần phải được bào chế, chiết xuất, sử dụng đúng cách thì mới phát huy được những tác dụng của nó. Đặc biệt, cơ địa mỗi người bệnh là khác nhau, không phải ai bệnh ung thư (ung thư gan) dùng an xoa cũng đạt hiệu quả.

"Vì vậy, người dân khi muốn sử dụng cây an xoa để chữa bệnh cần phải có sự thăm khám, hướng dẫn và theo dõi từ bác sĩ, từ người có chuyên môn, không nên tùy tiện dùng hoặc nghe theo lời đồn để tránh trường hợp xấu xảy ra, dẫn đến tiền mất, tật mang", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.