Cầu thủ bóng chuyền Ksor Mưa: Khát vọng trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 10 năm theo con đường bóng chuyền chuyên nghiệp, vận động viên (VĐV) Ksor Mưa (SN 1995, buôn Proong, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) vẫn ấp ủ khát vọng được cống hiến cho quê hương. Mặc dù đang là công nhân cao su ở tỉnh Bình Phước nhưng cầu thủ bóng chuyền người Jrai vẫn đau đáu nỗi niềm được trở về quê và sống với đam mê của mình.
Trai làng trở thành VĐV chuyên nghiệp
Ksor Mưa là VĐV người Jrai đầu tiên của tuyển trẻ Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Lớn lên nơi “chảo lửa”, Ksor Mưa sớm đem lòng yêu môn bóng chuyền. Khi mới 13-14 tuổi, cậu đã say mê những cú nhảy cao đập bóng mạnh mẽ của thanh niên trong làng và cảm thấy hạnh phúc khi được nhặt bóng cho những trận cầu nảy lửa. Thấy cậu bé đam mê với trái bóng chuyền, người lớn bắt đầu cho cậu chơi chung và hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản. Chẳng mấy chốc, cậu bé cao lêu khêu của buôn Proong trở thành một trong những tay đập cừ khôi nhất xã dù mới đang ở lứa tuổi học sinh.
Năm 17 tuổi, một người anh đồng hương đang theo học tại Trường Đại học Thể dục-Thể thao Đà Nẵng đã phát hiện và giới thiệu Mưa đến tập thử cùng đội trẻ của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng. Từ một chàng trai chân đất của núi rừng Tây Nguyên vốn chỉ quen với sân bóng làng, Mưa bước chân vào bóng chuyền chuyên nghiệp. Với chiều cao 1,86 m cùng khả năng bật đà ấn tượng, Mưa đã thuyết phục huấn luyện viên dày dặn kinh nghiệm Lê Nho Thạnh.
“Ban đầu, mình cũng nản vì nhớ nhà và việc tập luyện rất nặng, phải theo khuôn khổ, nhiều lần tính bỏ cuộc. Nhưng gia đình cùng thầy Thạnh đã động viên rất nhiều nên mình nỗ lực vượt qua. Ở đó, mình không chỉ được tập luyện bóng chuyền chuyên nghiệp và còn được học văn hóa”-Mưa tâm sự. 
Ksor Mưa (bìa trái) trong màu áo của Công ty Cao su Phú Riềng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Ksor Mưa (bìa trái) trong màu áo của Công ty Cao su Phú Riềng. Ảnh: Lê Văn Ngọc
18 tuổi, Ksor Mưa chính thức trở thành VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp trong màu áo của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng để tham gia giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc. Được chơi ở vị trí chủ công, anh là một trong những tay đập mang lại nhiều điểm số nhất cho đội bóng. Không chỉ có lối đánh mạnh mẽ từ những cú đập trên tay chắn, Mưa còn khiến nhiều người bất ngờ bởi những pha xử lý khôn ngoan. Mưa lại có cơ hội khoác áo nhiều câu lạc bộ bóng chuyền chuyên nghiệp như: Đà Nẵng, Đức Long Gia Lai, Quân đoàn 4… Tại những đội bóng đã đi qua, Mưa để lại dấu ấn không chỉ bởi những pha ghi điểm mà còn ở tính cách hiền lành, chân chất, nhiệt tình. Từ năm 2017 đến nay, Mưa chính thức đầu quân cho đội bóng Công ty Cao su Phú Riềng (tỉnh Bình Phước).
Khát vọng trở về
10 năm xa quê hương, mỗi khi nhắc đến mảnh đất Krông Pa, Mưa không giấu được nỗi buồn man mác. Ở xã Ia Mlah, Ksor Mưa là một cái tên mang đầy thương hiệu từ khi anh được khoác áo cầu thủ chuyên nghiệp. Mỗi lần trở về thăm nhà, anh đều mang theo những trái bóng chuyền để tặng trai làng. Lũ trẻ tại đây xem anh như thần tượng và nhiều cậu bé ước mơ đi theo con đường của anh. Nhiều chàng trai Jrai làng Proong cũng được lựa chọn vào đội tuyển bóng chuyền Gia Lai tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II.
Ksor Mưa cho hay, bản thân mong muốn cống hiến cho bóng chuyền Gia Lai. Năm 2015, anh trở về chơi cho Đức Long Gia Lai nhưng đáng tiếc đây là khoảng thời gian thoái trào của đội bóng trước khi giải thể. Sau đó, trong 3 năm liền, anh đầu quân cho Gia Lai tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II với hy vọng một lần mang về vinh quang cho tỉnh nhà. Tuy vậy, Mưa và đồng đội chỉ dừng ở bán kết.
Anh chia sẻ: “Bây giờ, mình chỉ mong tìm được một công việc ổn định gắn bó với đam mê bóng chuyền tại Gia Lai để có thể trở về. Mình đã đi xa lâu rồi và không có gì tuyệt vời hơn khi được về bên gia đình. Mình đã được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và học rất nhiều thứ ngoài bóng chuyền, mình cũng rất sẵn lòng truyền cảm hứng hay kỹ năng chơi bóng chuyền cho các bạn trẻ tại quê nhà”.
Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho biết: “Dù đi làm xa nhưng mỗi lần huyện tổ chức giải, Ksor Mưa đều thu xếp về tham gia. Anh không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là tấm gương để thanh-thiếu niên học tập, thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng ở cơ sở phát triển”.
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.