Cảnh báo bệnh phong đang bị lãng quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 2 năm khám chữa qua nhiều chuyên khoa mà vẫn không khỏi căn bệnh... ngoài da, mới đây một người đàn ông đã được xác định mắc bệnh phong.
 
Bệnh nhân phong với các tổn thương trên bề mặt da. Ảnh: THU HƯƠNG
Bệnh nhân phong với các tổn thương trên bề mặt da. Ảnh: THU HƯƠNG
Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 10 năm
Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân (BN) nam, 35 tuổi, ở H.Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, đến khám do trên người có các tổn thương là nốt sẩn đỏ trên bề mặt da.
BN cho hay tình trạng trên đã kéo dài hơn 2 năm. Trước khi đến khám tại BV Da liễu T.Ư, BN đã đi khám nhiều nơi tại BV tỉnh, khám các chuyên khoa về ký sinh trùng, huyết học, truyền máu với nhiều chẩn đoán và điều trị nhiều đợt nhưng bệnh ngày càng tiến triển nặng.
Phong là bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây nên. Bệnh tiến triển lâu dài, có thương tổn da kèm theo giảm hoặc mất cảm giác (nóng, lạnh, đau…). Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tàn tật như: cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi… Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng như: rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày), viêm mũi, viêm thanh quản… BN cần uống thuốc đủ liều để tránh kháng thuốc và tồn lưu của trực khuẩn phong.
Cần phân biệt bệnh phong với bệnh nấm da như: lang ben, hắc lào, bớt sắc tố… Tất cả thương tổn của các bệnh da này có thể giống thương tổn da trong bệnh phong, nhưng không làm giảm cảm giác hoặc gây mất cảm giác như bệnh phong.
“Trên da có đám đổi màu/Châm kim mà chẳng thấy đau tí gì” là biểu hiện cơ bản của bệnh phong.
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Tại BV Da liễu T.Ư, qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ phát hiện tổn thương là các sẩn đỏ, kích thước từ 1 - 3 cm, phân bố rải rác khắp vùng mặt, tay chân, thân mình; bề mặt 2 mu bàn tay khô. Các tổn thương này ấn chắc, đau. Dù triệu chứng không điển hình nhưng nghi ngờ BN mắc bệnh phong, các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn gây bệnh, khẳng định BN mắc bệnh phong.

Theo BV Da liễu T.Ư, bệnh phong (còn gọi là bệnh Hansen) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Bệnh chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên. Nếu không điều trị kịp thời, sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, cơ thể biến dạng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do có miễn dịch chéo nên đa số trong cộng đồng đều có miễn dịch và sức đề kháng chống lại vi khuẩn phong. Vì vậy, mặc dù nhiều người nhiễm vi khuẩn này nhưng chỉ một số rất ít bị bệnh. Tỷ lệ bệnh phong ở nam giới cao hơn nữ giới. Phong là một bệnh lây, nhưng lây chậm và rất khó lây. Thời gian ủ bệnh cũng rất lâu, trung bình 3 - 5 năm, thậm chí 10 - 20 năm. Tỷ lệ lây lan giữa vợ - chồng, nếu một trong hai người bị bệnh chỉ từ 3 - 5%.
Tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc
Thống kê của BV Da liễu T.Ư cho thấy những năm 1980 - 1990, mỗi năm cả nước phát hiện hàng ngàn BN phong mới. Chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống bệnh phong triển khai từ năm 1995 đến nay, với việc triển khai điều trị ca bệnh miễn phí, đã giúp giảm nhanh ca mắc (từ 2.020 người năm 1983 xuống còn 178 ca năm 2015; 138 ca năm 2016; 109 ca năm 2017 trên phạm vi cả nước). Nhiều tỉnh cả chục năm không phát hiện BN mới.
Hiện đa số các BN phong thông thường được điều trị tại nhà với sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Khi có biến chứng nặng, BN cần điều trị, phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng được chuyển tuyến điều trị tại các BV.
TS-BS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu T.Ư: “Hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong rất hiệu quả, do đó tỷ lệ mắc phong trong nước đã giảm rất thấp. Cũng do ít gặp nên nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho BN và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Do đó, các bác sĩ khi nghi ngờ BN mắc bệnh phong cần chuyển tới các cơ sở y tế”.
Theo Liên Châu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.