Cải thiện thu nhập nhờ học nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ áp dụng kiến thức từ các lớp đào tạo nghề nông thôn vào thực tiễn lao động sản xuất, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có thêm việc làm và cải thiện thu nhập.

Về làng Bẹt (xã Ia Bă), hỏi nhà của thợ sửa máy cắt cỏ Puih Ayun, chúng tôi được bà con nhiệt tình chỉ dẫn đường đến tận nơi. Tạm dừng sửa chiếc máy cắt cỏ của một hộ dân trong làng, anh Ayun cho hay: “Mình học nghề năm 2018. Từ đó đến nay, khi máy cắt cỏ gặp sự cố, bà con trong làng đều mang đến nhờ mình sửa. Tiền công thì khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng, có khi không lấy tiền. 3 năm qua, mình sửa máy cho dân làng ước chừng hàng trăm lượt rồi. Vì thế, gia đình cũng có thêm thu nhập để lo cho con cái học hành và trang trải cuộc sống”.

Hướng dẫn kỹ thuật cắt cành cho cây cà phê. Ảnh: Thiên Di
Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai trong buổi học về kỹ thuật cắt cành cho cây cà phê. Ảnh: Thiên Di


Tại làng Jek (xã Ia Sao), 2 năm nay, gia đình anh Rơ Châm Kháo không còn thường trực nỗi lo máy cày bị hỏng. Sau khi theo học lớp đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức, anh Kháo đã biết sửa chữa máy móc nông nghiệp. Ngoài ra, anh còn sửa chữa máy cày giúp dân làng. “Tôi được xã cho đi học nghề sửa chữa máy cày loại nhỏ. Nhờ thầy cô dạy nhiệt tình, trực tiếp trên máy móc nên tôi tiếp thu nhanh, học xong là theo nghề được ngay. Cũng nhờ thế mà gia đình có thêm một khoản thu nhập”-anh Kháo tâm sự.

Tương tự, anh Ksor Thiết (làng Năng, xã Ia Sao) chia sẻ, 1 năm nay, cũng nhờ anh có việc làm đều đặn từ nghề thợ nề mà kinh tế gia đình ổn định. “Hồi trước, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào mấy sào cà phê. Sau khi học nghề, mình làm thợ nề được trả công 250-320 ngàn đồng/ngày nên có chút dư dả. Vì thế, mình đã sửa lại ngôi nhà, mua sắm thêm máy móc, phân bón phục vụ vườn cây. Năm nay, mấy sào cà phê đạt năng suất cao, lúa và mì cũng thế”.

Trò chuyện cùng P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Chủ tịch UBND xã Ia Sao-phấn khởi nói: “Những năm qua, xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2-3 lớp dạy nghề nề, chăm sóc cà phê cho người dân trong xã, nhất là các hộ dân tộc thiểu số. Sau khi tham gia các khóa học, bà con đã biết áp dụng vào thực tế để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, nghề thợ nề mang lại thu nhập 200-400 ngàn đồng/ngày/người. Chúng tôi rất mong huyện cho tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo nghề giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.


 

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai thực hành đào hố trồng cây cà phê. Ảnh: Thiên Di
Học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai thực hành đào hố trồng cây cà phê. Ảnh: Thiên Di

Năm 2020 và 2021, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Riêng năm 2021, Trung tâm mở 4 lớp dạy nghề nề, sửa chữa máy cày nhỏ, trồng cây cà phê tại 4 xã: Ia O, Ia Krai, Ia Hrung, Ia Bă. “Thông qua các lớp đào tạo nghề, học viên được trang bị kỹ thuật mới ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng và biết cách khắc phục, sửa chữa máy móc hư hỏng để phục vụ sản xuất tốt hơn”-ông Nguyễn Quang Thuấn-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm-cho biết.

Cũng theo ông Thuấn, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu học nghề của người dân trong huyện khá cao. Năm 2022, Trung tâm GDNN-GDTX huyện sẽ tổ chức thêm 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với phòng chức năng, địa phương mở thêm các lớp đào tạo nghề để trang bị kỹ năng cho người dân, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

 

THIÊN DI
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.