Cà gai leo là một cây thuốc rất quý có thể dùng để giải độc rượu, trị ho gà và đặc biệt hiệu quả đối với người bị viêm gan B mạn tính, xơ gan...
|
Cà gai leo là dược liệu quý đối với người bị viêm gan B, xơ gan... Ảnh: Tường Minh |
Nhiều công dụng
Cà gai leo còn có các tên khác: cà quánh, cà quýnh, cà vạnh, cà cườm, cà gai dây. Tên khoa học: Solanum procumbens Lour (tên đồng nghĩa Solanum hainanense Hance), họ Cà (Solanaceae).
Cây mọc hoang ở khắp nơi dọc các bờ bụi, bờ rào; có thể trồng bằng cành hay hạt vào đầu mùa mưa. Cây leo, thân dài 0,6 - 2m, nhiều gai, sống nhiều năm. Lá mọc so le, hình trứng hay thuôn, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân chính (nhất là mặt trên), cuống lá cũng có gai.
Hoa tím nhạt, 4 cánh, nhị vàng, họp thành xim ở ngoài kẽ lá 2 - 5 hoa (ít khi 7 - 9 hoa). Quả hình cầu, đường kính 5 - 7mm, bóng, nhẵn, cuống dài, màu vàng sau đỏ.
Theo bác sĩ Lê Thân trong sách "Thuốc ở quanh ta", kinh nghiệm dân gian thường dùng rễ và dây cà gai leo (dùng khô) sắc uống để trị cảm cúm, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, sâu răng, răng sưng đau, chân răng chảy máu, giải độc rượu bia, làm mát gan, chống say tàu xe. Có nhiều nơi dùng cà gai leo chữa rắn cắn và dị ứng.
Một số ứng dụng
- Chữa viêm gan, xơ gan: Cà gai leo (thân, rễ, lá) 30g, cây dừa cạn 10g, cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu) 10g; tất cả sao vàng, sắc uống mỗi ngày một thang. Người có các bệnh về gan (viêm gan B, xơ gan...): 35g rễ hoặc thân lá cà gai leo, sắc với 1 lít nước, còn 300ml chia uống 3 lần trong ngày, giúp hạ men gan, và giải độc gan rất tốt.
- Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi: Cà gai leo 10g, dây gấm 10g, thổ phục linh 10g, kê huyết đằng 10g, lá lốt 10g. Sao vàng, sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa chứng ho gà: Cà gai leo 10g, thiên môn 10g, mạch môn 10g. Sắc ngày 1 thang chia 3. Hoặc rễ cà gai leo 10g, lá chanh 30g sắc uống.
- Làm giải rượu: 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước. Tác dụng bảo vệ tế bào gan mạnh đến nỗi khi uống rượu chỉ cần chà răng hoặc nhấm rễ cà gai leo thì sẽ tránh được say, nếu bị say thì uống nước sắc của rễ hoặc thân lá sẽ nhanh chóng tỉnh rượu.
Cây cà gai leo chặt nhỏ sao thơm đem ngâm trong rượu, sau một đêm sẽ phá hủy hầu hết lượng cồn có trong rượu, điều này lý giải khả năng chống say và giải độc rượu mạnh của cà gai leo. Hiện nay, cà gai leo là cây thuốc duy nhất có thể trung hòa và phá hủy các chất cồn (rượu).
- Chữa ho do viêm họng: Rễ hoặc thân và lá cà gai leo 15g, lá chanh 30g, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
Phân biệt cây cà gai leo
Do truyền tai nhau về tác dụng tốt của cà gai leo trên gan nên nhiều người dân tự thu hái dược liệu tự nhiên hoặc mua dược liệu trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc. Điều này rất nguy hiểm, do cà gai leo rất dễ nhầm lẫn với một số dược liệu khác.
Điển hình là nhầm lẫn với cây Solanum thorelii Botani, cây này cũng cùng họ và rất giống với cà gai leo nhưng chỉ khác là cụm hoa đơn độc, chứ không mọc thành xim, hoa có 5 cánh chứ không phải 4 cánh như cà gai leo, quả màu lục điểm trắng, khi chín vàng hay đỏ, đường kính 1,2 - 1,5cm.
Đặc biệt, các cây trong họ Cà có rất nhiều cây có đặc điểm giống nhau, nếu nhầm sang cây có độc tính mạnh như cà độc dược thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
TƯỜNG MINH (LĐO)