Bóng đá Việt Nam và câu chuyện hình tháp ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
V.League đang duy trì số lượng 14 đội. Ảnh: VPF
Sau một thời gian dài làm bóng đá theo kiểu “một mình một đường”, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định thay đổi hệ thống tổ chức thi đấu, trong đó có các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thoát khỏi mô hình tháp ngược. 
Nghịch lý từ những con số 
Năm 2000, bóng đá Việt Nam bắt đầu chập chững bước lên chuyên nghiệp. Ở V.League 2000/2001, chỉ có 10 câu lạc bộ và đến mùa giải 2003, số lượng đội tăng lên 12. Năm 2006, do Ngân hàng Đông Á không mất quyền tham dự vì dính vào vụ hối lộ trọng tài ở giải hạng Nhất 2005, số lượng đội bóng chỉ tăng lên 1 đội là 13. Đến năm 2007 thì số lượng đội tăng lên 14 và sau đó giảm xuống liên quan đến sự giải tán của CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn trước khi hồi phục để quay lại với con số 14 đội.
Trong khi đó, ở hạng Nhất số lượng đội luôn thấp hơn, mùa giải 2013 sau biến cố lớn với cuộc khủng hoảng sâu rộng mà hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá, các đội bóng giải thể, xóa sổ hàng loạt, hạng Nhất còn 8 đội. Thậm chí, đến mùa giải 2017 chỉ còn lại 7 đội, từ mùa giải 2018 phải ép để thành 10 đội và đến 2020 mới lên được 12 đội.
Ngay từ đầu lên chuyên nghiệp, các đội bóng hạng Nhất luôn ít hơn V.League, theo diễn biến thời cuộc thì giải đấu hạng 2 này càng teo tóp, nhiều giai đoạn tổ chức cho có và khiến hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam phát triển theo hình tháp ngược, khi hạng Nhì ít đội chơi còn hạng Ba thì kém cả các giải phong trào. 
Nhìn sang Thái Lan, có thể thấy rõ sự khác biệt khi quốc gia này đang phát triển bóng đá theo đúng nguyên tắc. Giải đấu cao nhất Thai League 1 có 18 đội, Thai League 2 có 18 đội, Thai League 3 là 25 đội và Thai League 4 có đến 61 đội. Đây được xem là một mô hình khá chuẩn khi có chân đế khá vững chắc. Đây là nguyên tắc cơ bản, bởi muốn giải đấu vô địch quốc gia mạnh, có chất lượng thì phải có  chọn lọc với quy luật phát triển tự nhiên. Nhìn vào hệ thống tổ chức thi đấu của 2 nền bóng đá, dù người Thái đi sau Việt Nam, có thể thấy chúng ta dù 20 năm làm chuyên nghiệp nhưng vẫn một mình một kiểu, không đáp ứng đúng tiêu chí chuyện nghiệp và bị Thái Lan bỏ xa. 
Cuối cùng cũng phải “xây nhà từ móng”
Các huấn luyện viên ngoại khi đến Việt Nam đều chỉ ra vấn đề rằng, muốn đội tuyển quốc gia mạnh thì phải có giải chuyên nghiệp chất lượng. Tuy nhiên, thầy ngoại nào cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của bóng đá Việt Nam, cơ bản là giống nhau sau rất nhiều năm.
Huấn luyện viên Alfred Riedl từng đưa ra một nhận xét nổi tiếng là “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Bởi ông nhận ra rằng, Việt Nam chỉ tập trung cho đội tuyển quốc gia mà không quan tâm đến phát triển đào tạo trẻ để làm nền tảng. V.League trong thời đại kim tiền lại chủ yếu tập trung mua ngôi sao và ngoại binh mà không phát triển các lứa cầu thủ trẻ kế cận. Thế nên, chúng ta mới đi ngược với thế giới trong suốt một thời kỳ dài. 
Huấn luyện viên Park Hang-seo cũng đưa ra rất nhiều ý kiến về những bất cập của V.League, đặc biệt trong quá trình tìm kiếm, tuyển chọn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia khan hiếm các gương mặt mới. Ông Park cho rằng, Việt Nam không phải không có cầu thủ tiềm năng, thế nhưng việc không thường xuyên được thi đấu khiến cho các cầu thủ trẻ không phát huy được tài năng. Thực tế, nếu các giải hạng Nhất có gấp đôi số đội V.League, đó sẽ là sân chơi để các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn. Việc nhiều cầu thủ trẻ phải dự bị ở đội 1, không có cơ hội ở các câu lạc bộ tại V.League chính là một hạn chế. 
Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có đặt ra yêu cầu cải tiến các giải trẻ để mỗi cầu thủ thuộc lứa U.21 có thể đá được tối thiểu 20 trận/năm. Đây là thông số mà hiện này, chỉ các cầu thủ trẻ được lên đội tuyển quốc gia, đá chính may ra đáp ứng được. 
Lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai năm 2014 có nhiều gương mặt nổi bật không chỉ dựa vào khâu tuyển chọn tài năng và một giáo án đào tạo bài bản. Việc các cầu thủ trẻ liên tiếp được tập huấn, thi đấu cọ xát liên tục đã phát huy được hết khả năng, tố chất. Đặc biệt, ở các giải trẻ, với tính cống hiến cao cũng giúp các cầu thủ phơi bày hết được các điểm mạnh, yếu.
Sau đó 2 năm, lứa U.19 Việt Nam giành vé dự World Cup cũng là trường hợp tương tự khi có số trận thi đấu trong 1 năm khá cao. Và ngược lại, thực tế chứng minh, có nhiều tuyển thủ U.23 từng thi đấu khá ấn tượng tại Thường Châu 2018 nhưng khi trở lại các câu lạc bộ không được thường xuyên thi đấu. 
Các chuyên gia bóng đá Việt Nam từng đề cập đến những nghịch lý bao năm tồn tại của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam. Một trong những giải pháp được đưa ra là có thể giảm số đội V.League để giải đấu chất lượng hơn. Bởi thực tế có nhiều đội bóng V.League không đáp ứng đầy đủ tiêu chí chuyên nghiệp, thực lực cũng hạn chế. Thế nhưng câu chuyện này còn liên quan đến vấn đề quy chế và quyền lợi nhóm của số đông với cách làm bóng đá để tiêu tiền cũng như các quyền lợi liên quan. Như Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã chia sẻ rằng, để đối chiếu khắt khe tiêu chí chuyên nghiệp thì nhiều đội bóng không đủ, nhiều trận đấu không đạt yêu cầu để có thể tổ chức, thế nhưng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn cứ buộc phải duy trì trong điều kiện quá nhiều đặc thù chi phối. 
Từ năm 2021, VFF đã quyết định nâng giải hạng Nhất lên 14 đội, giải hạng Nhì cũng phải tăng số lượng. Đây được xem là một sự thay đổi cần thiết, sau rất nhiều năm chúng ta đi ngược với quy luật của bóng đá cũng như cả thế giới. 
Muộn còn hơn không, khi thực tế đòi hỏi nếu không thay đổi bóng đá bóng Việt sẽ tự giới hạn chính mình và triệt tiêu khả năng phát triển...
Đăng Huỳnh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

(GLO)- Châu Ngọc Quang cùng đội tuyển Việt Nam vừa lên ngôi vô địch tại ASEAN Cup 2024. Với tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thành tích trên là trái ngọt sau những nỗ lực không ngừng của một cậu bé lớn lên từ vùng quê nghèo khó.