Bầu Đức, ông chủ Thế Giới Di Động làm gì khi cổ phiếu lao dốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Giữa lúc giá cổ phiếu giảm sâu, các đại gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã chi hàng trăm tỷ đồng để mua vào, nâng tỷ lệ sở hữu nhằm cứu giá, trấn an nhà đầu tư.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa tiếp tục đăng ký mua hơn 15 triệu cổ phiếu HAG từ 11/6 đến 9/7. Đây là số cổ phiếu vị đại gia này chưa mua được trong đợt đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu doanh nghiệp vừa qua, vì "kẹt tiền".

Trước đó, bầu Đức dự kiến sẽ mua tổng cộng 20 triệu cổ phiếu HAG thông qua các giao dịch khớp lệnh trên sàn từ 8/5 đến 6/6. Tuy nhiên, do không kịp thu xếp tài chính trong khoảng thời gian này nên ông chỉ kịp mua 4,8 triệu cổ phiếu.

Ước tính, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai đã phải chi ra khoảng 24 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp.

Cổ phiếu HAG đã rơi xuống vùng giá thấp nhất trong lịch sử. Với vai trò chủ doanh nghiệp, bầu Đức đã lập tức đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu, để cứu giá.



 

 Không kịp thu xếp tài chính mua 20 triệu cổ phiếu, bầu Đức vừa tiếp tục đăng ký mua hơn 15 triệu cổ phiếu.
Không kịp thu xếp tài chính mua 20 triệu cổ phiếu, bầu Đức vừa tiếp tục đăng ký mua hơn 15 triệu cổ phiếu.



Đứng trước đà giảm giá mạnh của cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, cũng đã đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu từ ngày 1/6 đến ngày 30/6.

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch MWG đăng ký mua cổ phiếu doanh nghiệp mình kể từ khi Thế Giới Di Động niêm yết.

Việc giá cổ phiếu liên tục giảm sâu từ đỉnh 135.500 đồng xuống vùng giá 100.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong thời gian ngắn, có thể là động lực khiến vị đại gia vốn thờ ơ với việc mua bán, cổ phiếu phải chấp nhận chi tiền. Nếu giao dịch thành công, ông Tài sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại công ty của mình lên 8,3 triệu cổ phiếu, tương đương 2,57% vốn.

Sau khi ông chủ doanh nghiệp có động thái mua vào, giá cổ phiếu này đã bật tăng, hiện được giao dịch gần 120.000 đồng/cổ phiếu.


 

 Thị giá MWG đã tăng hơn 20% từ khi ông Tài đăng ký mua vào cổ phiếu. Nguồn: VNDirect.
Thị giá MWG đã tăng hơn 20% từ khi ông Tài đăng ký mua vào cổ phiếu. Nguồn: VNDirect.



Tương tự là trường hợp của Giám đốc điều hành Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC), ông Lưu Đức Khánh. Trước đà giảm mạnh hơn 35% thị giá của cổ phiếu VJC, ông Khánh đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu từ ngày 4/6, để nâng lượng sở hữu tại đây lên gần 900.000 đơn vị.

Trước đó, VJC đã lao dốc một mạch từ vùng đỉnh gần 230.000 đồng/cổ phiếu về dưới 150.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong thời gian ngắn. Dự kiến, để mua số cổ phiếu này, ông Khánh sẽ phải chi không dưới 75 tỷ đồng khi VJC đang có đà tăng trở lại, hiện có giá 179.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), sau khi cổ phiếu giảm hơn 43%, từ gần 70.000 đồng xuống dưới 40.000 đồng/cổ phiếu, bà Hoàng Anh Minh (vợ Chủ tịch Ngô Chí Dũng) đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu, cũng để cứu giá. Nếu giao dịch thành công, bà Minh sẽ nâng sở hữu tại ngân hàng của chồng mình từ 4,32% lên 4,64% vốn.

Sau động thái của bà Minh, VPB cũng đã tăng gần 30% từ vùng giá đáy, hiện giao dịch với giá 50.000 đồng/cổ phiếu.

Dự kiến số tiền bà Minh chi ra cho đợt mua vào cổ phiếu này sẽ không dưới 250 tỷ đồng.


 

 Sau khi các lãnh đạo
Sau khi các lãnh đạo "tung" tiền cứu giá, các cổ phiếu doanh nghiệp đều tăng mạnh. Nguồn: VNDirect.



Tại VPB, gia đình ông Dũng hiện sở hữu lượng cổ phiếu rất lớn. Bản thân ông nắm 70 triệu cổ phiếu và mẹ ruột cũng nắm hơn 66,5 triệu đơn vị. Tổng giá trị cổ phiếu của gia đình Chủ tịch VPB ước khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 5, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect (VND), cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu khi thị giá VND giảm mạnh. Tương tự là ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), cũng đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp lên 18,04%...

Sau khi các lãnh đạo đăng ký mua vào, cả VND và HBC đều có đà tăng trở lại và hiện đã tăng hơn 20% từ vùng giá đáy.

Hoàng Thanh (zing)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.