(GLO)- Từ đầu năm 2012 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8.800.000 đồng đối với Trung tâm Dạy nghề Lái xe và Trung tâm Đào tạo và Sát hạch Lái xe do vi phạm các quy định về đào tạo lái xe, giáo viên để học viên không đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe” khi tham gia thực hành lái xe, đưa phương tiện không đảm bảo điều kiện của xe tập lái khi lưu hành…
Từ công tác tuyển sinh, đào tạo
Có thể nói xã hội hóa công tác đào tạo lái xe là một bước tiến khá quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng khả năng cạnh trạnh cũng như việc tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người dân có nhu cầu học. Từ một vài cơ sở đào tạo nghề lái xe trước đây, đến nay trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 8 cơ sở đào tạo với tổng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là 2.642 học viên, 1 trung tâm sát hạch loại I và một trung tâm sát hạch loại II và 6 trung tâm sát hạch loại III.
Giám sát tại phòng điều khiển của Trung tâm Sát hạch giấy phép lái xe. Ảnh: Lê Lan |
Tuy nhiên, sự phân bố bất hợp lý của các cơ sở đào tạo lái xe khiến công tác tuyển sinh, đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu, nhất là đối với công tác đào tạo lái xe mô tô. Nguyên nhân do hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe đều đặt tại TP. Pleiku (6/8 cơ sở đặt tại TP. Pleiku), trong khi đó nhu cầu đào tạo lái xe ở khu vực này gần như đã bão hòa, tỷ lệ tuyển sinh thấp, sức cạnh tranh cao. Điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở đào tạo. Đơn cử như Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai. Nếu như năm 2012 đơn vị tuyển sinh lái xe mô tô 8.740 học viên thì năm 2013 giảm 8.044 học viên và từ 1-1-2014 đến nay, chỉ mới tuyển sinh được 1.559 học viên; tỷ lệ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô năm 2013 giảm 37% so với năm 2012 và từ 1-1-2014 đến nay đơn vị chỉ mới tuyển được 268 học viên. Trong khi đó những xã vùng sâu, vùng xa có nhu cầu học lái xe cao thì lại thiếu cơ sở đào tạo.
Việc đi lại khó khăn, tốn kém thời gian và tiền bạc khiến nhiều người có nhu cầu học nhưng chưa được đào tạo, thậm chí không ít người có xe mà vẫn chưa có giấy phép lái xe. Bởi theo số liệu thống kê của Sở Giao thông-Vận tải thì số lượng phương tiện xe máy, xe mô tô được quản lý trên địa bàn hiện nay là 595.659 phương tiện nhưng thực tế chỉ có 344.355 giấy phép lái xe hạng A1 được cấp (số phương tiện nhiều hơn số giấy phép lái xe được cấp là 251.704 phương tiện). Vì vậy, sự chênh lệch quá lớn giữa số phương tiện và giấy phép lái xe được cấp khiến nhiều người đặt câu hỏi: Trong số những người điều khiển hơn 251.000 phương tiện có bao nhiêu người đã có giấy phép lái xe? Rõ ràng con số trên thể hiện sự bất cập trong công tác quản lý và đào tạo và chính sự phân bố không đồng đều của cơ sở đào tạo lái xe gây nên mất cân đối cung-cầu trong tuyển sinh học viên.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Đoàn Đức Lập-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai đã kiến nghị cho phép đào tạo bán tập trung, tức là có thể đào tạo lý thuyết tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khi học thực hành thì mới về Pleiku học…
Không chỉ bất cập trong công tác tuyển sinh, công tác đào tạo cũng có nhiều bất cập. Hiện một số môn học không còn phù hợp nên bỏ hoặc rút ngắn thời gian học. Chẳng hạn như môn cấu tạo và sửa chữa do hiện nay công nghệ xe hơi rất hiện đại và tối tân (điều khiển bằng điện) việc sửa chữa đã có bộ phận chuyên môn, chuyên trách. Môn nghiệp vụ vận tải nên bỏ chương trình đào tạo hạng B2; một số cơ sở đào tạo chưa chủ động trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý…
Lỗ hổng trong quản lý, kinh doanh
Ảnh: Lê Lan |
Ông Nguyễn Khắc Hiếu-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch Lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) thừa nhận: Việc Công ty kinh doanh thua lỗ và nợ lương cán bộ, công nhân viên của Công ty, nợ bảo hiểm là có thật… Lý giải nguyên nhân, ông Hiếu cho biết: Năm 2005, Công ty thực hiện cổ phần hóa 100%. Công ty thực hiện đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh với tổng vốn đầu tư lên đến gần 73 tỷ đồng, trong khi tổng cổ phần của toàn Công ty chỉ khoảng 26 tỷ đồng (còn lại là vay từ các tổ chức tín dụng và các cá nhân trong và ngoài Công ty)… Công việc kinh doanh ngày càng khó khăn trong khi hàng tháng Công ty phải trả lãi cho ngân hàng và cá nhân lên đến vài trăm triệu đồng. Hiện Công ty đã tổ chức 3 cuộc họp giữa Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Công ty và cán bộ toàn Công ty để giải quyết vấn đề trên.
Sự đầu tư ồ ạt, dàn trải vốn lại phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng (gần 2/3 vay ngoài), cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường đã đưa Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai vào tình trạng khó khăn… Đáng nói là việc chậm trễ trả lương đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên, nguy hiểm hơn là một bộ phận giáo viên chán nản, làm việc thiếu trách nhiệm, ý thức trong việc dạy học khiến chất lượng đào tạo bị giảm sút… và học viên chính là những người gián tiếp chịu những hệ lụy này.
Cùng với đó, việc quản lý, kiểm soát các trung tâm đào tạo tuyển sinh ở vùng sâu, vùng xa chưa được chặt chẽ. Năm 2013, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải tiếp nhận kiến nghị của cử tri làng Phung, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah về việc trung tâm thu hồ sơ khoảng 40 người dân để mở lớp thi lấy giấy phép lái xe, nhưng đã hơn 1 năm kể từ khi thu hồ sơ vẫn chưa mở lớp đào tạo lái xe. Sau khi kiểm tra, xác minh, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã làm việc với Trung tâm Dạy nghề Lái xe để giải quyết kịp thời. Sau đó, Trung tâm đã khắc phục, tổ chức đào tạo, đăng ký sát hạch lái xe cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chức năng xem xét tránh thiệt thòi cho người dân vùng xa, vùng sâu đang là khu vực có nhu cầu học lái xe tăng cao.
Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho thấy: Công tác quản lý về dạy nghề lái xe hiện đang bị buông lỏng, không có sự kiểm tra chấn chỉnh thường xuyên, nhất là quá trình thi tốt nghiệp và cấp chứng chỉ nghề của các cơ sở đào tạo…
Lê Lan