Ấm nồng vòng tay Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xứ sở dã quỳ vàng Pleiku không chỉ có thắng cảnh, di tích và không gian mộng mơ đi vào thi ca nhạc họa, Phố núi còn những vòng tay ấm áp tình người cao nguyên. Chúng tôi đến với Pleiku vào lúc mùa xuân đang về càng cảm nhận thêm nhiều điều thú vị, nồng ấm.

  Đoàn nhà văn, nhà báo TP. Hồ Chí Minh tham quan Biển Hồ. Ảnh: Phan Hoàng
Đoàn nhà văn, nhà báo TP. Hồ Chí Minh tham quan Biển Hồ. Ảnh: Phan Hoàng

Cuối năm 2016, tôi cùng các nhà văn, nhà báo từ TP. Hồ Chí Minh lên Pleiku công tác một tuần. Pleiku bây giờ đã thay đổi rất nhiều so với thời nhà thơ Vũ Hữu Định ngồi phố núi làm thơ năm 1970 giữa lúc chiến tranh còn diễn ra ác liệt mà nơi đây là một trong những chiến trường nóng bỏng. Pleiku bây giờ cũng khác so với gần 5 năm trước tôi đến đây, với nhiều công trình hoành tráng, tòa nhà cao, con phố mới xuất hiện bên cạnh những thắng cảnh, di tích như Biển Hồ, chùa Minh Thành, quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Đồng Xanh, đường thông cổ thụ… được tiếp tục giữ gìn, tôn tạo hoặc phát triển.

Nhà thơ Xuân Trường, người thiết kế chuyến đi, từng là Chánh Văn phòng UBND thị xã Pleiku, tâm đắc: “Mỗi lần trở về Pleiku tôi đều xúc động và ngỡ ngàng. Pleiku được quy hoạch xây dựng khoa học, các thắng cảnh thiên nhiên được lưu giữ, cuộc sống nhiều đổi mới, người dân hiền lành thân thiện chân chất. Vì vậy tôi luôn muốn giới thiệu Pleiku đến bạn bè khắp nơi và ai khi đã đến phố núi này rồi đều mong có dịp trở lại”.

Cùng đi với chúng tôi, những người từng gắn bó với Pleiku là nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, nhà giáo Đào Quốc Toàn, nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng, nhà biên kịch Trương Huỳnh Như Trân cũng chia sẻ với tâm trạng của nhà thơ Xuân Trường. Cả nhà thơ trẻ Du Nguyên lần đầu lên Pleiku cũng “nghịch” rằng, nếu nhà thơ Xuân Trường còn trẻ thì nhiều cô gái phố núi sẽ “chết” vì tình yêu và thơ của anh!

Ngày đầu tiên, Pleiku đón chúng tôi bằng những cơn mưa dai dẳng. Trong cái lành lạnh, ướt át, phố núi càng trở trên mơ màng thơ mộng. Chúng tôi quyết tâm đội mưa đi thăm thú các di tích, thắng cảnh, chùa chiền. Và đêm đầu tiên ấy trở nên ấm áp khi chúng tôi được tiếp đón nồng hậu trong lời ca điệu nhạc cùng các món ẩm thực đậm chất Tây Nguyên, với sự có mặt của anh Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, chị Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng nhiều cán bộ trẻ năng động.

Với phong cách gần gũi, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Trần Xuân Quang cho biết Pleiku là thành phố lớn thứ ba của Tây Nguyên, sau Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng-an ninh. Pleiku đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và hoàn thiện các chỉ tiêu còn thiếu để phấn đấu trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh trước năm 2019. Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, Pleiku tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn minh đô thị, khuyến học, phòng-chống tội phạm; triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, giải trí, thể dục thể thao, bảo vệ sức khỏe người dân đến từng cơ sở phường xã, thôn, làng. Pleiku có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên chính quyền luôn quan tâm thực hiện tốt các chế độ đối với những người có uy tín trong các buôn làng nhân các dịp lễ tết. Gia Lai là tỉnh được chính phủ giao tổ chức Festival cồng chiêng nên TP. Pleiku cũng rất chú ý đến loại hình văn hóa quan trọng này, mở lớp dạy đánh cồng chiêng tại làng Ốp thuộc phường Hoa Lư thu hút nhiều con em người dân tộc thiểu số tham gia.

Tất nhiên, chính quyền và nhân dân Pleiku còn làm rất nhiều việc hữu ích khác để có được bộ mặt thay đổi lớn của thành phố cao nguyên như hôm nay và hướng tới tương lai. Trong đó, có việc đón tiếp, giao lưu các đoàn khách như đoàn nhà văn, nhà báo chúng tôi đến Pleiku tìm hiểu, sáng tác nhằm góp phần quảng bá hình ảnh TP. Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Dù sinh ra và lớn lên ở Phú Yên giáp với Gia Lai, nhưng đây mới là lần thứ hai tôi lên Pleiku và là lần đầu tiên thực sự được sống trong hơi thở tình bạn cao nguyên. Chẳng những anh Trần Xuân Quang, chị Trần Thị Tâm mà tôi còn được gặp các văn nghệ sĩ, nhà báo Lê Xuân Hoan, Văn Công Hùng, Thu Loan, Bùi Quang Vinh, Huỳnh Kiên, Hoàng Thanh Hương, Đào An Duyên, Ngô Thị Thanh Vân, Tạ Ngọc Điệp…

Cảm ơn Pleiku, cảm ơn Gia Lai! tôi ghi vội mấy vần thơ trước lúc rời Phố núi:

“Cao nguyên mơ màng đón ta phiêu lãng rừng mưa/bạn bè ngỡ ngàng đón ta ấm nồng vòng tay/và men rượu vít cần nghiêng nghiêng phố núi/thấp tha thấp thỏm ta trốn tìm em/tìm em tìm em ta trốn tìm em/hỡi đóa dã quỳ vàng thắm đắm đuối rừng xưa/em lạc đâu trong tiếng mưa rơi suối reo thác đổ /em lạc đâu trong ngân vang trưng/tiếng đàn từng vô tình biến ta mạnh hơn mãnh thú/nhanh hơn gió hú/nóng hơn lửa dại/đuổi tuổi ngực hực trăng/vồ vập bập bùng em nương rẫy thanh xuân…”.

 Phan Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (từ 27-4 đến 1-5), tỉnh đón khoảng 88.290 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

(GLO)- Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào cao điểm của mùa nắng nóng. Mặc dù kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng nhiều người vẫn ưu tiên chọn những điểm du lịch trong tỉnh để vui chơi, thư giãn thay vì đi xa. Lượng khách ngoài tỉnh đến Gia Lai cũng thấp hơn mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc gia đình.

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.