Ai "sang tay" 20% vốn ở Cảng Đà Nẵng cho nhà đầu tư nước ngoài?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu CDN của CTCP Cảng Đà Nẵng đã được bán cho khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 22.3 vừa qua. Câu hỏi đặt ra, ai là người đã "sang tay" số cổ phiếu này cho nhà đầu tư nước ngoài?
Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần qua (22.3), trên sàn HNX, đã có trên 19,8 triệu cp CDN của CTCP Cảng Đà Nẵng được khớp lệnh với tổng giá trị lên tới gần 400 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào 20% vốn ở Cảng Đà Nẵng
Cụ thể, khối ngoại đã thực hiện 4 giao dịch thỏa thuận, tổng khối lượng 19,83 triệu cp. Trong đó, giao dịch bán ra lớn nhất có khối lượng lên tới 5,85 triệu cổ phiếu và giao dịch có khối lượng khớp lệnh thấp nhất là 3,48 triệu cổ phiếu.
 
Mức giá thực hiện của 4 giao dịch này đều là 20.000 đồng/cp. Mức giá này cao hơn mức giá chốt phiên giao dịch cùng ngày xấp xỉ 9,9% (CDN chốt phiên giao dịch ngày 22.3 tại 18.200 đ/cp). Như vậy, với 19,83 triệu cp được giao dịch, tổng giá trị giao dịch lên tới gần 400 tỷ đồng (396,6 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra, ai là người đã sang tay số cổ phiếu Cảng Đà Nẵng cho nhà đầu tư nước ngoài?
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2018, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, UPCoM: MVN) là cổ đông lớn nhất tại Cảng Đà Nẵng và nắm tới 74,25 triệu cp CDN của cảng Đà Nẵng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu lên tới 75% vốn điều lệ.
Trước đó, trong bản cáo bạch cổ phần hóa của Vinalines, đơn vị này dự kiến thoái vốn tại Cảng Đà Nẵng xuống còn 65% từ mức sở hữu 75%.
Với số cổ phiếu lưu hành hiện tại của CDN trên thị trường hiện nay là 99 triệu cp. Theo như kế hoạch kể trên, Vinalines sẽ phải thoái khoảng 9,9 triệu cp CDN.
Ngoài ra, những cổ đông khác của Cảng Đà Nẵng đều có tỷ lệ sở hữu dưới 10% tại công ty này. Như vậy, nhiều khả năng, hơn 19,8 triệu cổ phiếu CDN do Vinalines nắm giữ đã được sang tay cho nhà đầu tư nước ngoài trong phiên giao dịch 22.3 vừa qua?
Soi kết quả kinh doanh Cảng Đà Nẵng
Nói về hoạt động kinh doanh của Cảng Đà Nẵng, lợi nhuận của doanh nghiệp có sự tăng trưởng tương đối ổn định, đặc biệt là 3 năm trở lại đây (giai đoạn 2015 – 2018).
Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2014, từ mức lợi nhuận ròng ở mức 1 con số vào năm 2011, năm 2012 lợi nhuận sau thuế của CDN tăng lên gấp đôi và tăng gấp 6 lần vào năm 2013. Tuy nhiên, lại sụt giảm nhẹ về mức 44 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Năm 2015 lợi nhuận sau thuế TNDN của Cảng Đà Nẵng bứt phá mạnh lên 131 tỷ đồng.
 
Cũng kể từ đó, lợi nhuận của Cảng Đà Nẵng được duy trì ở mức 3 con số cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của doanh nghiệp cũng chậm lại.
Riêng trong năm 2018, Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần gần 695 tỷ đồng, lãi ròng hơn 148 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là gần 15% và 13%.
 
Năm 2018, nợ phải trả của Cảng Đà Nẵng cũng giảm từ mức 416 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 379 tỷ, tương đương mức giảm 9%.
Nợ xấu và nợ khó đòi của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2018 gần 1,4 tỷ đồng. Công ty đã trích dự phòng trên 1,3 tỷ đồng. Giá trị có thể thu hồi gần 48 triệu đồng. Trong đó, khoản nợ lớn nhất có giá trị tới 892 triệu đồng nằm tại công ty TNHH Nam Vạn Lý.
Báo cáo tài chính của Cảng Đà Nẵng năm 2018 cũng cho thấy, vay và nợ thuê tài chính tăng 9%, kéo theo chi phí lãi vay tính tăng gần 400 triệu so với đầu năm lên 1,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty đạt hơn 1.604 tỷ đồng, tăng gần 25% so với đầu năm.
Năm 2019, Cảng Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu 740 tỷ đồng, lợi nhuận 210 tỷ đồng với sản lượng 9,15 triệu tấn, trong đó, sản lượng container đạt 400.000 Tues. Cảng Đà Nẵng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ trong khoảng thời gian 26.4  đến 10.5.2019 tới đây.
L.T (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.