Thu hồi cổ phần bán sai Cảng Quy Nhơn: Làm gì tiếp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc tiếp theo, theo chuyên gia, phải tính toán chuyện lỗ lãi, trách nhiệm các bên và xử lý 75,01% cổ phần nhà nước sau khi thu hồi ra sao...
Liên quan đến vụ thu hồi trả lại Nhà nước 75,01% cổ phần bán sai tại Cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT đã thu hồi 2 văn bản trước đây có nội dung không đúng với quy định Nhà nước về cổ phần hoá cảng này.
Cùng với đó, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã trực tiếp làm việc với đại diện cổ đông tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Các bên đã cơ bản thống nhất tiến hành các thủ tục chuyển giao lại hơn 75,01% cổ phần trước đây Nhà nước thoái và thu hồi về cho Nhà nước.
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều khẳng định, việc Nhà nước thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn là điều bình thường vì quá trình thoái vốn không đúng thì phải xử lý.
Vấn đề ở chỗ phải tính toán như thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt hơn 75% cổ phần Nhà nước sau khi thu hồi về sẽ xử lý như thế nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), động thái thu hồi số cổ phần nhà nước tại Cảng Quy Nhơn mới chỉ giải quyết những bức xúc của dư luận về việc bán cảng sai quy định, không qua đấu thầu.
Việc thu hồi 75,01% cổ phần nhà nước bán sai vẫn phải đảm bảo được lợi ích cho nhà nước và nhà đầu tư
Việc tiếp theo Vinalines và Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành cần làm là tính toán lại sau khi Công ty Hợp Thành tiếp nhận cảng, quá trình kinh doanh cảng thế nào, lỗ lãi ra sao, lỗ ai chịu... Trong thương vụ mua bán cổ phần này ai sai, ai đúng, bên sai phải chịu trách nhiệm và xử lý thế nào? 
Nếu nhà đầu tư mua cảng không hề vi phạm mà người vi phạm là phía cơ quan quản lý Cảng Quy Nhơn thì ngoài việc hoàn trả nhà đầu tư phần tiền họ đã bỏ ra mua, có thể phải bồi thường cho họ.
"Nếu chỉ là đồng vốn mang tính tín dụng thì phải tính lãi suất. Đây không phải là vốn tín dụng mà là vốn kinh doanh, do đó, ngoài việc đóng thuế cho Nhà nước thì cần tính những vấn đề trên.
Chắc chắn cuối cùng các bên cũng sẽ phải làm việc này, chỉ là chưa muốn công bố vì có nhiều nghiệp vụ phức tạp", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.
Đối với 75,01% cổ phần Nhà nước thu về do bán sai, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Vinalines phải làm việc tiếp với cấp trên, xem tiếp tục bán hay giao cho ai quản.
"Đây là hoạt động phát sinh tiếp theo sau khi thu hồi hơn 75% cổ phần nhà nước về. Một điều rất rõ rằng, những gì thuộc về sở hữu nhà nước thì thường kém hiệu quả hơn sở hữu tư nhân, tôi không nghĩ rằng Cảng Quy Nhơn sẽ lại phát triển theo mô hình cũ với vai trò chi phối của Vinalines. 
Việc thu hồi số cổ phần bán sai không phải để quay về với Nhà nước, mà là tiếp tục bán công khai, minh bạch để chọn nhà đầu tư xứng đáng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng cho rằng, cách làm thông minh nhất là sau khi thu hồi, bán đấu giá rộng rãi 75,01% cổ phần Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược. 
Đặc biệt, cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài. 
"Không thiếu nhà đầu tư quan tâm đến số cổ phần này, trong khi đó, nếu đưa về Vinalines không biết sẽ thế nào khi nhiều năm qua Vinalines vẫn là một bộ máy quản lý cồng kềnh với cơ chế quản trị yếu kém", ông Hải nhận xét.
Nhấn mạnh việc xử lý số cổ phần nói trên ra sao, ở thời điểm hiện tại, vẫn phải tiếp tục chờ, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng thủ tục pháp lý để thu hồi 75,01% cổ phần Nhà nước bán sai vẫn còn tiến hành chậm, chưa kể phải thực hiện định giá lại số cổ phần trên.
"Việc Vinalines và Công ty Hợp Thành cần làm lúc này là giải quyết cho nhanh việc thu hồi 75,01% cổ phần nhà nước bán sai để không ảnh hưởng, thiệt thòi quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ, ổn định sản xuất", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Thành Luân (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.