(GLO)- Những số liệu được công bố tại hội thảo “Phát triển mô hình tham vấn học đường ở trường phổ thông” do Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây có thể khiến rất nhiều bậc phụ huynh phải giật mình lo lắng.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Trường Dân lập Việt Anh (TP. Hồ Chí Minh), có 20,8% học sinh khối THCS và 22,2% học sinh khối THPT của trường có nguy cơ cao về các vấn đề tâm lý như: rối loạn hành vi, tự tử, trầm cảm… Trong khi đó, ThS. Nguyễn Văn Hồng-Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, kết quả khảo sát học sinh THCS của tỉnh này cho thấy có 19,2% các em có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần, 13,2% có dấu hiệu trầm cảm, 13% có dấu hiệu rối loạn lo âu, rối loạn ứng xử.
Ảnh minh họa |
Còn theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với hơn 1.000 học sinh THCS ở nội thành thì có tới 84,3% học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân. Trong đó, 44,6% học sinh cảm thấy mệt mỏi, chán nản và 41,1% học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.
Việc học sinh bậc THCS và THPT gặp các vấn đề về tâm lý thực ra không phải chỉ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà ở khắp cả nước. Bởi lẽ, lứa tuổi THCS và THPT là giai đoạn tâm-sinh lý của các em học sinh có nhiều thay đổi rất phức tạp. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các em học sinh gặp phải các vấn đề về tâm lý, trong đó một phần không nhỏ bắt nguồn từ cuộc sống gia đình không hạnh phúc.
Nhiều gia đình cha mẹ ly hôn, ít dành thời gian quan tâm đến con cái, thậm chí bạo hành, tạo sức ép thành tích học tập khiến các em rơi vào tâm lý mỏi mệt, trầm cảm. Bên cạnh đó, những rạn nứt, đổ vỡ trong tình cảm bạn bè, tình yêu học trò… cũng dễ làm các em đau buồn, chán nản, tìm tới những cách giải quyết tiêu cực. Câu chuyện đau lòng của một em học sinh lớp 9 ở TP. Hồ Chí Minh chỉ vì bị điểm 3 môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tự tử hồi tháng 9 vừa qua là một ví dụ điển hình về những vấn đề tâm lý mà một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay đang gặp phải.
Không phải đến bây giờ, việc tham vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông mới được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này vẫn còn mang nặng tính hình thức nên chưa phát huy hiệu quả cần thiết. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, cách đây 5 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định tạm thời về tổ chức tham vấn học đường. Theo đó, Sở yêu cầu mỗi trường trên địa bàn phải có ít nhất một chuyên viên tham vấn tâm lý cho học sinh. Yêu cầu là vậy song theo thông tin tại buổi hội thảo nói trên, trong năm học 2015-2016, TP. Hồ Chí Minh có hơn 900 trường tiểu học, THCS, THPT công lập nhưng chỉ có chưa tới 120 giáo viên chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Những trường còn lại, công tác này được giao cho Bí thư Đoàn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn Giáo dục công dân… đảm nhiệm. Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của các trường phổ thông trên cả nước.
Việc các trường phổ thông chưa quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là còn coi nhẹ công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh đã và đang để lại những hệ lụy không nhỏ, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và an ninh học đường. Để khắc phục điều này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
Trong đó, Bộ xác định rõ, mục đích của công tác này là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng-chống bạo lực học đường.
Hy vọng rằng, khi Thông tư này của Bộ Giáo dục và Đào tạo được chính thức ban hành, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các em học sinh tìm được hướng giải quyết đúng đắn cho những vấn đề cá nhân gặp phải, yên tâm học tập, rèn luyện, tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn.
Lê Hà