Đưa du lịch "cất cánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm 2018 với nhiều nội dung cụ thể. Tuy nhiên, ngành du lịch cần xác định đâu là nội dung trọng tâm, ưu tiên trước nhất trong chiến lược phát triển du lịch của mình. Xung quanh vấn đề này, trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết:
 

Ảnh: H.N
Ảnh: H.N

Gia Lai có nhiều điểm đến hấp dẫn, được đánh giá cao nhưng đến nay du lịch của tỉnh vẫn chưa thể “cất cánh”. Nguyên nhân một phần vì  những sản phẩm hiện có chưa được đầu tư bài bản, đủ tầm, đảm bảo các dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng… đủ sức hấp dẫn thu hút khách lưu trú dài ngày. Vì vậy, tỉnh cần kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch; tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Hiện đã có một số doanh nghiệp xin đầu tư vào Biển Hồ, xây dựng, nâng cấp, làm mới một số hạng mục để nâng tầm điểm đến được xem là điểm nhấn của du lịch Gia Lai này. Tại khu vực núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), thác Mơ (huyện Ia Grai), thác Kon Lok (huyện Kbang)… cũng có một số doanh nghiệp xin đầu tư và khai thác với quy hoạch chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên, tỉnh cần xem xét để “chọn mặt gửi vàng”, bởi du lịch là lĩnh vực đặc thù, liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Làm sao các sản phẩm này sau khi được quy hoạch, đầu tư phải có sức hấp dẫn, khai thác hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn hệ sinh thái, không gian, môi trường-những yếu tố rất quan trọng để phát triển du lịch địa phương.

Ngoài ra, ngành du lịch tỉnh sẽ làm việc thêm với một số điểm đến như Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, chùa Minh Thành để xây dựng những sản phẩm du lịch cụ thể, đặc thù. Qua nhiều đợt khảo sát, các đơn vị khai thác du lịch chuyên nghiệp đánh giá đây sẽ là những sản phẩm du lịch riêng có, “không đụng hàng” của Gia Lai, nhất là các loại hình này đang đánh trúng thị hiếu du lịch tâm linh, du lịch theo dấu chân thần tượng của du khách.

 

Nâng tầm lễ hội là một trong những chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai năm 2018. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Nâng tầm lễ hội là một trong những chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai năm 2018. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

- P.V: Tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên được xác định là những thế mạnh để khai thác các loại hình du lịch thời gian tới. Vậy ngành du lịch sẽ khai thác theo hướng nào cho hiệu quả để từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Gia Lai, thưa ông?

Hai năm trở lại đây, việc các địa phương luân phiên tổ chức lễ hội đã góp phần đưa lượng du khách đến Gia Lai tăng cao. Đặc biệt là các lễ hội gắn liền với thắng cảnh tự nhiên hay sinh hoạt văn hóa đặc trưng của địa phương như: lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya gắn với mùa hoa dã quỳ của Tây Nguyên; lễ hội Cầu huê gắn với nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân vùng đất An Khê; lễ hội Cầu mưa gắn với truyền thuyết về các vị Vua Nước, Vua Lửa-là hiện tượng vô cùng độc đáo, chỉ có ở vùng Phú Thiện… Từ thực tế đó, chúng tôi đã mời các đơn vị lữ hành hàng đầu cả nước trực tiếp tham gia để có sự tư vấn đúng hướng, làm sao nâng tầm các hoạt động lễ hội trong khai thác, phát triển du lịch thời gian tới.

Bên cạnh đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ tiếp tục được khai thác trong chiến lược phát triển du lịch thông qua các hoạt động lễ hội. Trước đó, chúng tôi mời đoàn famtrip gồm các đơn vị lữ hành hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh và một số kênh truyền hình trải nghiệm ngày hội văn hóa cồng chiêng ở huyện Kbang (tháng 7-2017). Chuyến famtrip đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với các vị khách, làm cơ sở để các doanh nghiệp du lịch lớn tư vấn, hỗ trợ Gia Lai xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với lễ hội. Đồng thời, để các doanh nghiệp định hình, kết nối tour, tuyến khi đưa khách đến, trong đó đưa lễ hội vào sản phẩm như điểm nhấn thú vị trong hành trình khám phá Gia Lai, Tây Nguyên.

Đặc biệt, Festival cồng chiêng tại Gia Lai năm 2018 dự kiến tổ chức tháng 11 tới đây là sự kiện văn hóa quan trọng, là cơ hội vàng để quảng bá cho du lịch Gia Lai. Trước sự kiện này, chúng tôi sẽ tổ chức một đoàn khảo sát du lịch, mời các doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đi khảo sát, xây dựng tour du lịch đặc thù. Từ đó kết nối thành tuyến, điểm trên một trục đi, trải nghiệm cùng lúc các loại hình văn hóa, thiên nhiên, lịch sử. Cùng với một số sự kiện văn hóa-thể thao cấp quốc gia do tỉnh đăng cai tổ chức từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để quảng bá thêm cho hình ảnh du lịch địa phương.

- P.V: Lại nói về hoạt động quảng bá, đây là yếu tố không thể tách rời trong chiến lược phát triển du lịch, nhất là trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Ông có thể cho biết các hình thức quảng bá được ngành đầu tư, đổi mới như thế nào?

Chắc chắn mức độ quảng bá sẽ được đổi mới, tốt hơn nhiều so với trước đây. Sau hoạt động ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Gia Lai tăng cường hoạt động quảng bá du lịch trên một số kênh truyền hình như SCTV 12, VTV4, VTC Cab 19. Mới đây nhất, sau cuộc làm việc giữa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) với Tỉnh ủy Gia Lai, đơn vị này đã phối hợp với các kênh truyền hình kể trên làm phim, phóng sự, chụp ảnh tại một số điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai, những nét độc đáo của văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng… để phát sóng trên một số kênh truyền hình và quảng bá trên các phương tiện truyền thông khác từ giữa tháng 5-2018 trở đi. Thông tin về du lịch Gia Lai cũng sẽ được Saigontourist cập nhật trên các ấn phẩm, giới thiệu đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các công ty lữ hành, khu vui chơi giải trí, các hội nghị, hội chợ du lịch trong và ngoài nước của hệ thống Saigontourist và thông qua Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của đơn vị khai thác du lịch chuyên nghiệp, hàng đầu cả nước như Saigontourist, công tác quảng bá sẽ đúng hướng và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, thông tin về du lịch Gia Lai sẽ đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.