Giải Báo chí tỉnh lần thứ VI-2017: Phản ánh nhiều vấn đề "nóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bằng sự chắt lọc về ngôn từ, đầu tư công phu về hình ảnh, tiếng động, âm thanh, lời bình… các tác phẩm tham gia Giải Báo chí tỉnh lần thứ VI-2017 đã chuyển tải thành công nhiều vấn đề xã hội được đông đảo bạn đọc quan tâm.

Giải Báo chí tỉnh lần thứ VI-2017 có sự tham gia của 76 tác phẩm, trong đó loại hình báo in có 26 tác phẩm, phát thanh 25 tác phẩm và truyền hình 25 tác phẩm. Có thể thấy qua từng năm, các tác phẩm tham gia Giải Báo chí tỉnh ngày càng có sự đầu tư công phu, tỉ mỉ, đặc biệt là khâu chọn đề tài. Vẫn là các vấn đề xã hội như phòng-chống hạn hán, quản lý bảo vệ rừng, giữ vững an ninh biên giới, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy trái phép… song các tác giả đã chọn lựa những góc cạnh khác nhau để “mổ xẻ”, đem đến cái nhìn đa chiều, cung cấp thông tin có chiều sâu cho độc giả. Có thể kể đến như các tác phẩm “Tìm lời giải cho nguồn nước Tây Nguyên” (Minh Triều-Hồng Thi), “Gia Lai làm gì để giữ rừng” (Lê Nam-Nguyễn Diệp), “Đề cao cảnh giác hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng ở Gia Lai” (Ngọc Ánh), “Cần có chế tài xử lý hành vi trốn thuế, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động” (Linh Chi-Song Nguyễn)…

 

Trao giải cho các tác giả đạt Giải Báo chí tỉnh lần VI-2017.              Ảnh: P.L
Trao giải cho các tác giả đạt Giải Báo chí tỉnh lần VI-2017. Ảnh: P.L

Đầu năm 2016, Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã trải qua cơn đại hạn lịch sử trong vòng 20 năm trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cả khu vực Tây Nguyên phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Trước thực trạng đó, dưới sự định hướng của Ban Biên tập Báo Gia Lai, 2 phóng viên Minh Triều và Hồng Thi đã triển khai loạt bài “Tìm lời giải cho nguồn nước Tây Nguyên”.

Với sự đầu tư công phu về mặt tư liệu cùng ngôn ngữ thể hiện sắc bén, tác phẩm đã vinh dự đạt giải A của loại hình báo in tại Giải Báo chí tỉnh lần VI. “Đây là một đề tài khó và rộng, đòi hỏi chúng tôi phải thu thập, xâu chuỗi nhiều dữ liệu cũ-mới, ghi nhận nhiều ý kiến từ người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cho tới các chuyên gia đầu ngành. Rất may là phóng viên Minh Triều đã tham gia Hội thảo an ninh nguồn nước Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai. Hội thảo này đã tập hợp hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Nhờ đó, chúng tôi đã thu thập được nhiều tư liệu quý cho đề tài của mình. Chúng tôi bắt tay vào triển khai đề tài này nhằm thống kê và đi sâu làm rõ những hậu quả mà cơn đại hạn khốc liệt vừa để lại cho các tỉnh Tây Nguyên, tìm hiểu nguyên nhân vì đâu mà nguồn nước Tây Nguyên cạn kiệt như vậy, đồng thời đưa ra những cảnh báo, giải pháp trong thời gian đến để trữ nước cho Tây Nguyên”-phóng viên Hồng Thi chia sẻ.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư cấp quốc gia là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Gia Lai trong năm 2016. Trong đó, du lịch được xác định là một trong những điểm nhấn quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Đây cũng là lý do mà Ban Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai quyết định làm phim để quảng bá về tiềm năng và lợi thế của cao nguyên Gia Lai để phát sóng nhân dịp này qua seri phóng sự “Kbang-Tiếng gọi của đại ngàn” do nhóm tác giả Huy Cường-Hòa Giang-Phan Nguyên thực hiện. Yêu cầu của một sản phẩm quảng bá về du lịch buộc ê-kip phải tiến hành song song 2 thể loại: phim tài liệu và loạt phóng sự ngắn với hình thức trải nghiệm thực tế. Để có những góc máy ấn tượng và độc đáo, ngoài máy quay chuyên dụng, ê-kip thực hiện phóng sự phải sử dụng thêm thiết bị quay trên không (flycam), thiết bị quay cầm tay (osmo) và máy ảnh chuyên nghiệp... “Có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong hành trình làm phim lần này nhưng ấn tượng nhất phải kể đến những chuyến quay trong rừng. Khi lên phim thì thác 50, Suối Rêu hay cảnh theo cư dân lấy mật ong rừng thật lung linh và huyền ảo. Tuy nhiên, để có được những cảnh quay này thì cực lắm! Chúng tôi phải đi bộ hàng chục cây số, băng rừng, vượt suối… cùng với lỉnh kỉnh đồ đạc, dụng cụ tác nghiệp. Đêm đến, chúng tôi hạ trại ngủ lại trong rừng nguyên sinh. Chúng tôi sợ nhất là vắt cắn. Người ít thì bị 4, 5 vết, người nhiều hàng chục vết, dấu tích để lại đến giờ vẫn chưa phai”-phóng viên Hòa Giang tâm sự.

Đánh giá về chất lượng Giải Báo chí tỉnh năm nay, ông Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, thành viên Hội đồng chung khảo Giải Báo chí tỉnh lần VI-2017, khẳng định: “Hầu hết các tác phẩm tham dự Giải Báo chí tỉnh năm nay có sự tiến bộ so với trước, nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức thể hiện. Giải Báo chí tỉnh Gia Lai là một trong những hoạt động quan trọng đối với người làm báo trên địa bàn tỉnh, thiết thực cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Đây cũng là nơi ươm mầm sáng tạo, là nguồn động viên kịp thời đối với đội ngũ làm báo tỉnh nhà, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh đối với người làm báo”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.