Cú hích từ Hiệp định GMS 6

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng được hình thành từ năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là chương trình hợp tác nhằm ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường các nước trong tiểu vùng.

Mới đây, vào trung tuần tháng 3-2018, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định GMS-CBTA (Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng) do Bộ Giao thông-Vận tải đăng cai tổ chức với sự tham gia của 6 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Công, gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Tại hội nghị, bộ trưởng 6 nước đã thống nhất một nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa hiệp định tạo thuận lợi trong việc vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới các nước. Đây là tin vui cho người dân trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công bởi theo đó, mỗi ngày, các nước sẽ cấp 500 giấy phép cho các phương tiện đi lại mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu, cho phép tạm nhập phương tiện mà không phải nộp các loại thuế, không phải bảo lãnh hải quan.

Tin vui tiếp nối tin vui, từ ngày 29 đến 31-3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 do Việt Nam chủ trì tổ chức. Tại đây, nguyên thủ các nước đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là hợp tác chặt chẽ trong nông nghiệp, giao thông, du lịch, tạo điều kiện để nền kinh tế các nước trong tiểu vùng phát triển với 220 chương trình, dự án có tổng trị giá lên đến 66 tỷ USD.

Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện chương trình hợp tác giao thông, các nước trong tiểu vùng, trong đó có Việt Nam, đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, kết nối các thành phố, các tỉnh trong khu vực. Đơn cử như từ tháng 12-2015, đã đưa vào sử dụng hoàn chỉnh tuyến đường Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) nối Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng (Việt Nam). Dự kiến trước năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc)-Lạng Sơn, Hà Nội (Việt Nam). Cũng từ Côn Minh, tuyến cao tốc nối với Bangkok (Thái Lan) dài 1.750 km đã đưa vào khai thác. Hệ thống các tuyến hành lang cũng đã và đang được hoàn chỉnh, sử dụng. Tuyến cảng Đà Nẵng-Đông Hà (Việt Nam)-Lào-Thái Lan-cảng Dawei của Myanmar (đoạn trên lãnh thổ Myanmar đang được xây dựng) có chiều dài 1.450 km. Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh-thủ đô Phnom Penh dài 180 km, Việt Nam và Campuchia vừa ký kết thúc đẩy đầu tư xây dựng.

Còn một số tuyến cao tốc khác đã và đang được xây dựng, khai thác mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không thể kể ra hết được. Bản thân người viết cũng đã có dịp đi trên một số tuyến cao tốc trong và ngoài nước như: Hà Nội-Lào Cai; Hà Nội-Hải Phòng; TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; Bằng Tường-Nam Ninh (Trung Quốc), Ubon Ratchathani-Udon Thani (Thái Lan)… đường rất rộng, thoáng, ô tô có thể chạy đến 120 km/giờ. Ngay cả các tuyến đường hành lang Đông-Tây như Pleiku (Việt Nam)-Ban Lung-Stung Treng (Campuchia); Bờ Y (Việt Nam)-Attapeu-Pakse (Lào) tuy chưa phải là cao tốc song chất lượng đường cũng rất tốt.

Vấn đề quan trọng là kể từ đây, mọi ách tắc trong giao thông-vận tải người và hàng hóa giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công đã được khai thông, nhất là khoảng cách về không gian đã được rút ngắn. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng như: dưa hấu, sầu riêng, chuối, ớt… thường bị hư hỏng, giảm chất lượng do thời gian nằm chờ ở các cửa khẩu trước đây thì từ nay sẽ nhanh chóng vào sâu nội địa để kịp cung ứng cho người tiêu dùng.

Về du lịch, chúng ta có thể thực hiện một chuyến đi xuyên qua các nước, bắt đầu từ TP. Pleiku sang Campuchia, Thái Lan rồi ngược về phía Bắc sang Myanmar, Trung Quốc chỉ trong vài ngày bằng ô tô. Thậm chí sang cả Malaysia, Singapore. Hoặc từ Hà Nội xuống Hải Phòng, Quảng Ninh sang Nam Ninh rồi ngược lên Côn Minh, xuôi Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi về Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Pleiku. Chúng ta cũng có quyền nghĩ đến chuyện trong tương lai gần: từ ga Sài Gòn ngồi tàu hỏa một đêm, sáng hôm sau đã xuống nhà ga Yangon, cố đô của Myanmar…

Thật mà cứ ngỡ như trong mơ!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.