Lao đao vì rau rớt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày sau Tết, các loại rau đồng loạt rớt giá thê thảm. Người trồng rau chuyên canh ven TP. Pleiku hiện đang dở khóc, dở mếu với sản phẩm làm ra.
  Luống su hào nhà anh Lượng đã đến kỳ thu hoạch mà thương lái không màng ghé mua. Ảnh: Đ.P
Luống su hào nhà anh Lượng đã đến kỳ thu hoạch mà thương lái không màng ghé mua. Ảnh: Đ.P
Đứng nhìn những luống đậu cô ve trĩu quả, xanh mướt cao quá đầu người bị phá bỏ không thương tiếc để làm thức ăn cho bò, anh Nguyễn Văn Thương (thôn 1, xã Trà Đa, TP. Pleiku) thở dài ngao ngán: “Đành thôi, với mức giá bán ra tại nhà vườn chỉ 1.000 đồng/kg mà vẫn không có người đến mua thì để làm gì nữa. Mấy hôm trước, gần 1 sào dưa leo nhà tôi trồng đến kỳ thu hoạch cũng cùng chung số phận. Xót công, tiếc của nên vợ chồng tôi đã ra sức thu hoạch, đóng bao cất xếp lên bờ, điện thoại cho mấy mối hàng quen đều bị từ chối vì không tiêu thụ được, cho bà con mang về chia nhau ăn vẫn không hết. Cuối cùng, cả dây lẫn trái đành phá bỏ, làm thức ăn cho bò. Câu chuyện nghe bi hài nhưng lại là sự thật đấy”.  Rồi anh Thương nhẩm tính, không kể công sức bỏ ra sau 3 tháng, gia đình anh lỗ chừng 25 triệu đồng/sào đất canh tác. 
Đến thăm anh Hồ Lượng (tổ dân phố 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku), một gia đình có hơn 3 sào đất chuyên trồng cây rau ăn lá, anh cho biết: Các loại rau như xà lách, su hào, cải thảo sau Tết đồng loạt giảm giá, loại tốt thương lái chỉ mua với giá 3.000 đồng/kg, cải muối dưa có hôm chỉ 1.000 đồng/kg. So với cùng kỳ mọi năm, giá cả giảm đến 3 lần. Đã thế, thương lái cũng không mặn mà, lượng mua giảm hẳn.
Giải thích lý do rau quả bị mất giá, sức mua giảm, anh Quang-một thương lái, cho biết: “Thời tiết năm nay đặc biệt thuận lợi cho cây rau các loại phát triển. Diện tích trồng rau lại được mở rộng không chỉ trong tỉnh mà ở cả các tỉnh lân cận như Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Mọi năm, rau từ chợ đầu mối (chợ đêm Pleiku) tỏa về các chợ huyện phía Tây rất mạnh, riêng năm nay rau từ huyện Phú Thiện, Ia Pa cũng tràn về. Rau xanh vốn chỉ tiêu thụ trong nước, lại không thể bảo quản được lâu, tình trạng cung vượt cầu, hệ quả được mùa mất giá là điều hẳn nhiên”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều nông dân sống bằng nghề trồng rau ở ven đô tâm sự, họ sẽ tiếp tục làm đất, xuống giống. Nhưng thay vì chuyên canh một loại rau thì bây giờ họ sẽ chuyển một phần diện tích sang trồng các loại rau khác theo hướng trái vụ để chờ thời. “Mình sống bằng nghề trồng rau thì “sống chết” với cây rau chứ biết sao”-anh Lượng nói.  
Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.