Khi hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải đến khi chuyện Khaisilk vỡ lở, người ta mới “té ngửa”. Từ lâu, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, vì chưa nhìn thấy được mức độ nguy hiểm của nó nên các nhà quản lý, nhà kinh tế trong nước có vẻ chưa quan tâm. Kỳ thực tình trạng này đã đến mức quá nguy hiểm, vô cùng nghiêm trọng. Nếu Chính phủ, các cơ quan quản lý không chú tâm thì không mấy chốc nền sản xuất trong nước sẽ bị phá vỡ.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không xa mấy, vào giữa năm ngoái, Cơ quan Chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) đã ghi nhận một số lượng lớn sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận thương mại. Cụ thể, OLAF nghi ngờ khả năng có doanh nghiệp Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi để doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang EU dùng C/O do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp. Mục đích của việc này là người Trung Quốc muốn tránh thuế chống bán phá giá cho thép của họ. Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, nếu OLAF chứng minh được điều này thì họ sẽ kiến nghị tất cả các nước nhập khẩu thép truy thu thuế chống bán phá giá đến 58% cho toàn bộ thép Việt Nam xuất khẩu mà EU đang áp dụng đối với thép Trung Quốc.

Hiện đang có tình trạng nho Trung Quốc nhập vào Việt Nam, sau đó dán nhãn mác nho Ninh Thuận rồi tung ra thị trường trong nước. Thật giả lẫn lộn không biết đâu mà lần, nhưng nhãn tiền là nông dân Ninh Thuận liêu xiêu trước giá rẻ của nho Trung Quốc. Đó là chưa kể, rất nhiều loại trái cây khác như: cam, táo, lê, xoài, ổi, bưởi… cũng bị dán tem sản phẩm nổi tiếng trong nước hoặc dán tem giả xuất xứ trái cây ngoại như: Mỹ, Úc, Pháp… khiến thị trường trái cây trong nước liêu xiêu do bị lũng đoạn.

Bà Vũ Kim Hạnh-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho rằng gần như thị trường Việt Nam đã chịu sự thống lĩnh của hàng Tàu. Những kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có nhiều doanh nghiệp Việt bị giải thể bởi không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Theo bà Hạnh, tình trạng ngoài dán nhãn mác Việt, trong bâu áo còn nguyên tem China là khá phổ biến. Chỉ vì Khaisilk là một thương hiệu lớn của quốc gia nên mới trở thành câu chuyện đình đám. Đó là sự khủng hoảng của một thương hiệu. Còn nền kinh tế quốc gia bị lũng đoạn bằng cách này đã xuất hiện từ lâu.

Hiện nay, những nhà sản xuất hàng Trung Quốc sợ thiên hạ nhận biết “gốc gác” của mình nên luôn tìm cách xóa tung tích bằng kế “kim thiền thoát xác”. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng bị hàng Trung Quốc mạo danh. Trong Hội chợ hàng Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh, hàng Trung Quốc vẫn dán nhãn mác Thái trà trộn vào để bán. Bởi lẽ, họ biết người Việt rất chuộng hàng Thái. Nông sản Trung Quốc chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, hưởng thuế suất ưu đãi, dán nhãn Việt xuất xứ khu nông nghiệp công nghệ cao rồi tung ra thị trường. Không chỉ nông nghiệp, nhiều khu công nghiệp cũng vậy. Ở Khu Công nghiệp Bắc Ninh, Trung Quốc nhập giấy đã thành phẩm, đóng gói dán nhãn Việt Nam, rồi tung ra thị trường, giết chết các hãng giấy trong nước.

Khaisilk chỉ là chuyện cây kim trong bọc lòi ra. Tuy nhiên, nếu các nhà quản lý, nhà kinh tế trong nước không chủ động mà cứ ngồi chờ thì một lúc nào đó nó sẽ làm vỡ bọc. Bởi lẽ, hành vi tiếp tay cho hàng Trung Quốc dạng như Khaisilk sẽ nhanh chóng giết chết ngành sản xuất trong nước, giết chết niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt và cuối cùng là lũng đoạn nền kinh tế quốc gia.

Đặng Vỹ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.