Chư Pah quyết tâm nâng giá trị cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 42,2% cơ cấu kinh tế nên đầu tư cho nông nghiệp phát triển luôn được huyện Chư Pah chú trọng đúng mức, trong đó có cây cà phê.

Từ hiện trạng

Điều kiện thổ nhưỡng của huyện Chư Pah phù hợp với cây công nghiệp dài ngày. Đặc biệt, cà phê là cây trồng được nhiều hộ dân lựa chọn và giữ vị trí chủ lực trong cơ cấu cây trồng của Chư Pah hiện nay. Những năm qua, diện tích cây cà phê không ngừng được mở rộng, hình thành nên vùng chuyên canh lớn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 8.322 ha cà phê; trong đó, diện tích cà phê quốc doanh là 1.683 ha, còn lại là của người dân. Diện tích cà phê đang trong giai đoạn khai thác kinh doanh là 8.120 ha.

 

Anh Đậu Bá Ngà bên vườn cà phê tái canh.
Anh Đậu Bá Ngà bên vườn cà phê tái canh.

Thực tế khẳng định, nguồn thu từ cây cà phê đã giúp rất nhiều gia đình, nhất là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, có vốn tích lũy, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện hàng năm. Điển hình, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2016 của huyện đạt 1.849,60 tỷ đồng, đạt 100,47% kế hoạch năm, tăng 10,02% so với năm 2015. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, giá trị cây cà phê mang lại chưa thật sự cao. Nguyên nhân do năng suất cà phê nhân bình quân đạt thấp so với các khu vực trồng cà phê khác của tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Cụ thể, niên vụ vừa qua, năng suất cà phê nhân bình quân chỉ đạt 2,1 tấn/ha. Ông Nguyễn Đức Hiệu-cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Phú cho biết: Diện tích cà phê của cả xã là 550 ha, trong đó cà phê hộ cá thể chiếm đến 500 ha. Tuy nhiên, năng suất cà phê giữa các vùng trên địa bàn xã không đồng đều, nhất là cà phê trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có vườn 1 cây cà phê thu chưa tới 10 kg tươi.

Khảo sát của cơ quan chức năng huyện Chư Pah mới đây cho thấy năng suất cà phê bình quân trên địa bàn huyện đang giảm dần. Nguyên nhân là do quy trình trồng, chăm sóc chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; nguồn cây giống không đảm bảo chất lượng; nhiều vườn cây già cỗi, dễ bị nhiễm sâu bệnh hại... Ước tính tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp là 1.687 ha.

Quyết tâm nâng giá trị cây cà phê

 

Một góc thị trấn Chư Pah.      Ảnh: Đ.T
Một góc thị trấn Chư Pah. Ảnh: Đ.T

Cũng từng ấy diện tích canh tác, vốn đầu tư, công tưới nước, bón phân, chăm sóc như nhau nhưng giá trị kinh tế từ cây cà phê trên đất Chư Pah lại không bằng các vùng trồng cà phê khác của tỉnh và khu vực. Thậm chí, năng suất giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người Kinh cũng có sự chênh lệch. Nếu khắc phục được hạn chế này sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới, giá trị cây cà phê được nâng lên; chênh lệch thu nhập từ trồng cà phê giữa các hộ dân sẽ được rút ngắn; đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được nâng cao. Vì vậy, nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng người trồng cà phê của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: tìm giống mới thay thế giống cũ; lồng ghép cải tạo vườn cà phê vào các chương trình, dự án. Đặc biệt, huyện xuất ngân sách hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình tái canh cà phê. Năm 2016, cùng với 130 kg hạt giống cà phê TRS1 của Sở Nông nghiệp và PTNT cấp để gieo ươm, huyện còn xuất ngân sách hỗ trợ cấp phát cho dân tái canh 126 ha theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50%. Dự kiến năm 2017, huyện tiếp tục xuất ngân sách hỗ trợ chương trình tái canh cà phê theo kế hoạch đề ra; trong đó tập trung tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng vào vườn cây, tạo tiền đề cho cà phê phát triển bền vững.

Thời gian qua, cơ quan chuyên môn của huyện Chư Pah tự tổ chức ươm giống để tiết kiệm chi phí. Anh Đậu Bá Ngà (làng Hreng, xã Hòa Phú) được hỗ trợ giống để tái canh cà phê. Anh cho biết: Cà phê giống TRS1 huyện nhân, ươm khi khui bầu không có hiện tượng có 2 đến 3 rễ. Rễ cây giống thẳng. 450 cây giống cà phê gia đình nhận về tái canh toàn phần 7 sào đất đang phát triển tốt, hiện tượng sâu bệnh hại, bệnh vàng lá ít thấy xuất hiện so với giống cây cà phê khác. Vườn cà phê tái canh phát triển đều hơn.

 

Theo kế hoạch, tổng diện tích cà phê trồng tái canh trên địa bàn huyện Chư Pah giai đoạn 2015-2020 là 1.950 ha. Trong đó, năm 2017 là 307 ha; năm 2018 là 332 ha; năm 2019 là 365 ha và năm 2020 là 426 ha.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Chư Pah, tái canh cà phê được xác định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Cụ thể hóa mục tiêu trên, hiện nay, huyện đã thành lập 2 tổ công tác đến từng hộ dân trồng cà phê trên địa bàn để khảo sát thực tế phát triển vườn cà phê. Sau khi khảo sát, các tổ công tác phối hợp với chính quyền các xã, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt-Bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch tái canh cụ thể và đồng bộ từng vườn cây, nhất là vườn cà phê do các hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ. Thực hiện quy trình tái canh cà phê theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 587/QĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện sẽ tiếp tục bố trí ngân sách để mua giống, tổ chức gieo ươm hỗ trợ giống cho nông dân với quyết tâm cải tạo diện tích cà phê trên địa bàn huyện phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah Nay Kiên cho biết: Những năm qua, Chư Pah là một trong những địa phương đi đầu trong công tác tái canh cà phê của tỉnh. Trong giai đoạn 2017-2020, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư tái canh, cải tạo diện tích cà phê già cỗi để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng một cách bền vững. Đặc biệt, tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi bộ giống cũ bằng những giống mới để đưa năng suất cà phê cao hơn những năm trước góp phần tăng thu nhập cho bà con. Đây là cơ sở để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện.

Định hướng phát triển đúng trên kết hợp với kế hoạch đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò gắn với xây dựng chuồng, phát triển đồng cỏ chủ động thức ăn cho gia súc mùa khô; duy trì và mở rộng diện tích cây bời lời và một số loại cây trồng, vật nuôi khác sẽ giúp người dân tăng nguồn thu nhập; góp phần thực hiện thành công tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.