Bài 1: Tài nguyên rừng vẫn thất thoát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp giữ rừng, song tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy và sản xuất trên đất lâm nghiệp, khai thác trái phép lâm sản vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, làm diện tích rừng liên tục suy giảm.

Rừng bị xâm hại

Theo thống kê, tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh hiện có hơn 886.763 ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 625.432 ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng 261.331 ha, độ che phủ rừng đạt 40,26%. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua chưa thật sự hợp lý, dẫn đến tài nguyên rừng suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Từ năm 2005 đến nay, diện tích rừng giảm hơn 134.940 ha.

 

Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Kbang.
Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Kbang.

Dễ nhận thấy điều này khi dọc đường Trường Sơn Đông (thuộc địa phận huyện Kbang) là những sườn đồi bị lấn chiếm để trồng mì, bắp, mía. Từ năm 2005 đến 2010, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kbang giảm hơn 19.458 ha; từ năm 2010 đến 2015 diện tích đất lâm nghiệp tiếp tục giảm hơn 1.773 ha. Tương tự, tại các huyện  Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Kông Chro, Đak Pơ, Chư Pưh…, tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy còn khá phổ biến. Nhiều khu đất lâm nghiệp đã biến thành đất sản xuất.

Tại vùng bìa rừng quanh hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa), ngành chức năng phát hiện hàng chục ha rừng bị người dân phá để trồng lúa rẫy. Kiểm tra tại tiểu khu 365 (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai, diện tích rừng bị phá làm nương rẫy khoảng 50 ha. Còn tại lâm phần thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, từ năm 2011 đến nay, người dân lấn chiếm hơn 32,6 ha để sản xuất. Hay dọc theo đường tuần tra biên giới thuộc địa phận huyện Đức Cơ, một phần diện tích đất rừng biến thành đất trồng mì, lúa rẫy. Theo báo cáo của UBND huyện Đức Cơ, sau khi rà soát, quy hoạch 3 loại rừng năm 2008, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện là hơn 35.481 ha (diện tích có rừng 19.050 ha). Tuy nhiên, theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng thì đến cuối năm 2015, tổng diện tích rừng chỉ còn hơn 8.801 ha (diện tích rừng tự nhiên 6.922 ha, rừng trồng 1.878 ha). Như vậy, từ năm 2008 đến 2015, diện tích rừng trên địa bàn huyện Đức Cơ giảm hơn 10.463 ha.

Không ngoại lệ, diện tích rừng ở huyện biên giới Chư Prông cũng giảm dần. Theo báo cáo của huyện, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng tự nhiên giảm 40.836 ha; người dân sản xuất, canh tác trên đất lâm nghiệp khoảng 24.707 ha nhưng chưa có biện pháp xử lý thích hợp. Thậm chí, trụ sở UBND xã Ia Mơr, Ia Púch còn xây dựng trên đất lâm nghiệp(!).

Kbang là địa phương có nhiều loại gỗ quý, giá trị kinh tế cao, đặc biệt là gỗ hương. Vì vậy đây là miếng mồi ngon cho lâm tặc dòm ngó, lén lút khai thác. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 615 vụ vi phạm, tịch thu hơn 1.396 m3 gỗ các loại, 22.253 kg cành nhánh rễ gỗ trắc với tổng tiền xử phạt và bán lâm sản hơn 21,6 tỷ đồng.

Vì đâu?

 

Lâm tặc dùng xe máy độ chế chở gỗ lậu tại khu vực hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: L.N
Lâm tặc dùng xe máy độ chế chở gỗ lậu tại khu vực hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: L.N

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng là do tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tập quán du canh, tình trạng di dân tự do làm cho nhu cầu đất ở và đất sản xuất tăng cao… Hay việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và vấn nạn khai thác trái phép tài nguyên rừng...   
 

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2011 đến tháng 6-2016, lực lượng chức năng đã xử lý 6.823 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; khởi tố hình sự 134 vụ; tịch thu hơn 15.119 m3 gỗ các loại; thu hơn 133,4 tỷ đồng tiền phạt và bán lâm sản. Cùng thời gian, hơn 656 ha rừng bị thiệt hại do bị cháy.

Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho hay: “Sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, UBND tỉnh đã bóc tách diện tích không có rừng hoặc rừng tre nứa, lau lách chuyển sang đất nông nghiệp, giao về cho xã quản lý, cấp đất sản xuất cho dân và chuyển đổi một số diện tích thực hiện các công trình thủy điện, công trình công cộng, an ninh-quốc phòng hoặc chuyển sang mục đích kinh doanh. Một số làng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng từ nhiều đời nay, nhu cầu sử dụng đất sản xuất, đất ở ngày càng cao nên vẫn xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy”.

Còn ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa thì cho biết: Cách thức lấn chiếm đất rừng thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, gặm nhấm dần theo dạng da báo và “hiệu ứng vết dầu loang”, lấn chiếm tập thể, thực hiện vào ban đêm hay dùng cách phun thuốc diệt cỏ, ken cây rừng cho chết… Ngoài ra, do áp lực gia tăng dân số và người di dân tự do từ nơi khác đến dẫn đến nhu cầu đất canh tác tăng.

Hiện nay, một bộ phận cán bộ trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm được giao, cá biệt có trường hợp còn thông đồng, tiếp tay cho đối tượng vi phạm. Trong 5 năm qua, ngành chức năng phát hiện, xử lý  160 cán bộ, công chức, viên chức tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nguyên nhân rừng suy giảm chủ yếu là công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ của chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa thật chặt chẽ, còn nhiều sơ hở. Việc xử lý các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép chưa nghiêm minh, kịp thời; nhất là những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng liên quan đến người dân tộc thiểu số… tạo tiền lệ xấu trong việc chấp hành pháp luật…

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.