Huyện Chư Pah: Đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn các xã của huyện Chư Pah đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ kiên cố và khang trang, hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đi lại thuận lợi, đặc biệt đời sống người dân ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

  Làm đường giao thông nông thôn.  Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, không ít người dân còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa thật sự hiểu xây dựng NTM là sự chung tay “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và nhân dân là chủ thể, người thụ hưởng thành quả của chương trình. Sau khi tổ chức phát động “Chư Pah chung sức xây dựng nông thôn mới”, các xã, thôn, làng cùng làm lễ ra quân hưởng ứng và tham gia những phần việc, tiêu chí chưa cần có sự đầu tư của Nhà nước như: chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm chuồng trại nhốt gia súc, mắc điện chiếu sáng trước nhà, đóng góp kinh phí làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác… Từ đó đã tạo sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM. 5 năm qua đã có hàng ngàn hộ tự nguyện hiến đất, góp công, góp của để chung tay xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 13,8 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế một cách toàn diện, bền vững nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Huyện đã lồng ghép các chương trình sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp khuyến nông hàng năm, các đề án, dự án phát triển sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo... triển khai nhiều mô hình nuôi bò, heo, gà, chim cút, hươu sao; mô hình trồng cao su tiểu điền, nuôi cá nước ngọt, tái canh cây cà phê, trồng tiêu và nhiều dự án nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, cùng với đào tạo tập huấn với tổng kinh phí là 22.284 triệu đồng từ các nguồn vốn chương trình khuyến nông, khoa học công nghệ, vốn ngân sách huyện. Việc thực hiện các mô hình khuyến nông, hỗ trợ sản xuất bước đầu đã đem lại hiệu quả giúp người dân thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế của gia đình, định hướng và đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, công nghệ mới, tiên tiến áp dụng vào sản xuất.

 

 Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Đi đôi với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được chú trọng. Từ các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án những công trình bức xúc, nhất là những công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học, y tế và cơ sở vật chất, văn hóa đảm bảo phát triển sản xuất cũng như giao thương hàng hóa. 5 năm qua, toàn huyện đã xây dựng mới và nâng cấp hơn 109 km đường giao thông, 55 trường học, 2 chợ, 33 công trình cấp nước sinh hoạt và xử lý nước thải, 3 trạm y tế xã và 32 nhà văn hóa xã, thôn, làng… Các công trình đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng được người dân chủ động tham gia tự nguyện đóng góp. Ông Chu Ngọc Quý-Trưởng thôn 3, xã Ia Nhin cho biết: “Tổng chiều dài đường giao thông nông thôn cần phải làm là 4,5 km nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đã làm được 4,3 km. Trước các tiêu chí, xã đều họp nhân dân bàn bạc và quyết định mức đóng góp với phương châm những hộ nào hưởng lợi trực tiếp thì đóng góp cao hơn từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/hộ. Khi triển khai thi công, bà con tham gia nhiệt tình, người góp công, người góp của, người hiến đất, tự tháo dỡ hàng trăm mét hàng rào, cây cối giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông...”.

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, huyện Chư Pah đã ưu tiên lồng ghép các chương trình với tổng vốn thực hiện hơn 2.089.802 triệu đồng (vốn ngân sách trung ương 17.452 triệu đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án 299.237,9 triệu đồng, vốn tín dụng 1.721.882 triệu đồng, vốn đóng góp của người dân 13.814,6 triệu đồng). Ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Chương trình xây dựng NTM đã làm chuyển biến, nâng cao nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị và người dân. Ngay sau khi bắt tay vào việc, chúng tôi tập trung chỉ đạo, quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM cụ thể ở từng cấp. Phong trào đã theo đúng lộ trình vạch ra và thực sự đi vào đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia. Toàn huyện đã có 2 xã đạt 19 tiêu chí (xã Nghĩa Hưng, Ia Nhin); 1 xã đạt 11 tiêu chí và 10 xã đạt 5-8 tiêu chí. Huyện đặt mục tiêu từ năm 2016 đến 2020 phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.