Huyện Đức Cơ: Phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, giúp người dân tăng thu nhập, huyện Đức Cơ triển khai nhiều mô hình và vận động người dân tích cực chuyển đổi giống cây trồng. Trong đó có cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn quả…

Trong những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đức Cơ chủ động chuyển đổi một số diện tích cây công nghiệp ngắn ngày, cải tạo vườn tạp và diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu. Theo báo cáo của huyện, năm qua, diện tích cây trồng hàng năm gieo trồng là 4.029,4 ha, giảm 361,5 ha so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là cây lúa rẫy giảm 221,5 ha, mì giảm 106 ha và một số cây trồng khác), cây công nghiệp dài ngày 14.375 ha, tăng 378,5 ha so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết: Trước đây, người dân mà đặc biệt là người dân tộc thiểu số chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như lúa rẫy, mì, bắp lai… hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình hình đó, huyện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày nhằm thúc đẩy kinh tế Đức Cơ phát triển bền vững.

 

 

Thời gian qua, do giá mủ cao su giảm mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên người dân chuyển đổi sang cây cà phê và hồ tiêu. Do đó, cây cà phê hiện là cây trồng chủ lực và chiếm ưu thế trên địa bàn. Tổng diện tích cây cà phê vào khoảng 5.251 ha (tăng 120 ha so với cùng kỳ năm trước). Anh Siu Loan (làng Ngol Le 2, xã Ia Krêl) cho biết: “Gia đình trồng 700 cây cà phê và gần 2 ha điều, cho thu nhập ổn định. Trong đó cây điều là loại cây phù hợp với phương thức canh tác của người dân tộc thiểu số, công chăm sóc ít, kỹ thuật không cao, chỉ cần làm cỏ, bón phân là có thu nhập ổn định. Với 2 ha điều, mỗi năm gia đình thu khoảng 70 triệu đồng, 700 cây cà phê thu trên 100 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí”. Hay hộ chị Rơ Châm Chanh (làng Ngol Le 1, xã Ia Krêl) có hơn 1,5 sào đất vườn nhưng trước đây chỉ trồng vài cây cà phê mít và bỏ không. Thấy nhiều hộ trồng tiêu hiệu quả kinh tế cao Chanh cũng học tập làm theo trồng được hơn 200 trụ tiêu. Hiện tại, vườn cây cho thu nhập ổn định 50-60 triệu đồng/năm.

Để cây công nghiệp dài ngày phát triển ổn định và nâng cao năng suất, huyện Đức Cơ còn triển khai nhiều chương trình như cho người dân vay vốn để trồng tái canh cà phê giai đoạn 2015-2020, hỗ trợ giống cà phê tái canh và bán trợ giá giống cà phê; hỗ trợ phát triển trồng mới cây điều. Đặc biệt, huyện triển khai kế hoạch xây dựng sản xuất cà phê trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2025 và định hướng đến năm 2030. Ông Nguyễn Quốc Tư cho biết thêm: Trên địa bàn huyện có 4 vùng sản xuất cà phê chính gồm phía Tây có các xã: Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Dom với hơn 1.669 ha; phía Đông có xã Ia Lang, Ia Din, Ia Krêl với 1.485 ha; phía Bắc có xã Ia Dơk, Ia Kla với tổng diện tích 953 ha; phía Nam có xã Ia Kriêng và thị trấn Chư Ty với hơn 1.022 ha. Khi triển khai cánh đồng lớn, người nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất, giá trị sản phẩm cao hơn, hình thành mối liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và với doanh nghiệp, tăng thu nhập góp phần cải thiện cuộc sống… Dự kiến trong năm tới, chúng tôi sẽ thực hiện cánh đồng lớn tại xã Ia Krêl với diện tích khoảng 100 ha, có 65 hộ tham gia. Sau đó sẽ nhân rộng ra các xã còn lại với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 650 ha cà phê canh tác theo cánh đồng lớn.

Việc phát triển ổn định cây công nghiệp dài ngày là hướng đi đúng, phù hợp với quy hoạch của huyện, góp phần giúp người dân cải tạo vườn cây, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu bền vững.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Công ty Điện lực Gia Lai hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: H.D

Gia Lai: Nắng nóng, điện tiêu thụ bình quân ngày tăng 31,2%

(GLO)- Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Gia Lai (Công ty Điện lực Gia Lai), từ đầu tháng 4-2024 đến nay, công suất cực đại của phụ tải đạt 321 MW và sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trên địa bàn tỉnh đạt 655,54 triệu kWh, tăng hơn 31,38% so với cùng kỳ 2023.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.