Gia Lai: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huy động thêm nguồn lực tại chỗ, lưu tâm đến công tác dạy nghề xây dựng cho lao động địa phương được xem là giải pháp thiết thực và lâu dài nhằm hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn II.

Từ kinh nghiệm thực tiễn

Cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 giai đoạn II) là một chương trình lớn được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (VBSP Gia Lai) triển khai trên địa bàn với mục tiêu hỗ trợ xây dựng 4.600 căn nhà trong giai đoạn 2016- 2020. Hộ nghèo thuộc diện này  có nhu cầu vay vốn sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ VBSP để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay là 3%/năm; thời hạn vay 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù Chương trình 167 giai đoạn II khởi đầu khá muộn (tháng 11-2016) nhưng huyện Đak Đoa được đánh giá là địa phương có cách làm hiệu quả, thiết thực khi phát huy được nội lực tại chỗ để hoàn thành 9 căn nhà cho hộ nghèo. Với quyết định chọn xã Glar-xã nông thôn mới làm điểm thực hiện 9 căn nhà, đồng thời tập trung nguồn lực hỗ trợ bà con một cách thiết thực nhất, Phòng Giao dịch VBSP huyện đã có các bước chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Trước khi giải ngân vốn, UBND xã, các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với Phòng Giao dịch VBSP huyện tổ chức họp mặt, trao đổi với 9 hộ để nắm bắt nhu cầu vay vốn, khả năng tài chính đối ứng làm nhà ở cũng như các điều kiện khác theo quy định.

Về phía xã Glar thì thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình 167 giai đoạn II, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công trách nhiệm từng thành viên trong việc đôn đốc, giám sát xây dựng từ giai đoạn xuống móng, lên tường, nghiệm thu, hoàn công ngôi nhà. Bên cạnh đó, xã quyết định hỗ trợ 500 ngàn đồng/hộ, thôn hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, đồng thời vận động các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tạm ứng vật liệu xây dựng, cam kết hoàn trả khi được giải ngân vốn vay ngân hàng. Một điểm cộng nữa cho xã Glar là đã tận dụng được nguồn thợ xây lành nghề tại chỗ, tiết giảm đáng kể chi phí làm nhà.  

Cần huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ

Bước vào năm thứ 2 thực hiện chương trình, việc triển khai kế hoạch tín dụng còn khá chậm dù nguồn vốn vay làm 888 căn nhà đã được Trung ương phân bổ từ đầu tháng 6-2017.  Tại huyện Mang Yang, bà con dân tộc thiểu số thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở không dám vay vốn ngân hàng vì số tiền vay 25 triệu đồng/hộ không đủ để làm nhà. Số khác thì có mong muốn sửa chữa lại nhà sàn truyền thống nhưng lại gặp khó khăn về nguồn gỗ xây dựng. Trong khi đó, phía địa phương cũng chưa có nguồn nào để hỗ trợ bà con làm 25 căn nhà theo kế hoạch năm nay. Tương tự, qua khảo sát thực tế của Phòng Giao dịch VBSP huyện Ia Grai, việc huy động thêm nguồn lực khác trong cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng 86 căn nhà theo kế hoạch năm 2017 là không dễ thực hiện. Đồng thời, một số hộ dân vẫn còn nhầm lẫn giữa vốn vay ưu đãi với vốn Nhà nước cho không, hỗ trợ để xây dựng nhà ở. Do vậy, huyện Ia Grai vẫn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên quan điểm người dân chỉ vay vốn khi có nhu cầu thực sự và thỏa mãn với đồng vốn vay, xây nhà ở được cũng như có trách nhiệm trả nợ vay khi đến hạn.

Theo quy định, diện tích nhà ở xây dựng tối thiểu là 32,5 m2 (phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới), đảm bảo “3 cứng”, gồm: nền cứng, khung, tường cứng, mái cứng; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão, gió lốc. Trên thực tế, nếu hộ vay không có thêm nguồn lực tài chính khác, không có sự hỗ trợ từ cộng đồng thì số tiền vay 25 triệu đồng từ VBSP không đủ chi phí xây dựng. Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhìn nhận, việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Điều này cũng đã được nêu rất rõ trong Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh: “Nhà nước hỗ trợ theo phương thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia để xây dựng nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định; kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả của chính sách”.

Để hoàn thành kế hoạch năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đề nghị các địa phương tích cực huy động thêm các nguồn lực khác từ cộng đồng, hỗ trợ bà con làm nhà ở bởi đây là một trong những tiêu chí quan trọng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, lưu tâm đến công tác đào tạo nghề nông thôn, nhất là nghề xây dựng cho bà con dân tộc thiểu số tại chỗ. Về lâu dài, điều này góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, tiết giảm chi phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, VBSP phối hợp với chính quyền địa phương, hội-đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng chính sách liên quan nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách khác. 

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.