Nghề ve chai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề ve chai từ lâu đã trở thành “cần câu cơm” mưu sinh hàng ngày của một số lao động nghèo tại thành phố Pleiku. Với nghề này thì người buôn chẳng bao giờ lo thua lỗ hay hư hỏng gì, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm.

“Bà ve chai”, “cô ve chai”… đó là cái tên chung quen thuộc mà mọi người vẫn dành cho những người đi mua ve chai dạo. Chẳng ai cần biết tới cái tên của họ, chỉ biết rằng nếu ai đó có nhu cầu bán phế liệu thì ra đầu ngõ gọi lớn “ve chai”. Những người làm nghề buôn bán ve chai ở Pleiku thường là những phụ nữ trung niên, đến từ các huyện trong tỉnh hay những vùng quê lân cận như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

 

Ngày may mắn là khi thu mua được nhiều phế liệu. Ảnh: Trần Dung
Ngày may mắn là khi thu mua được nhiều phế liệu. Ảnh: Trần Dung

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng hầu như họ đều là những người chịu thương, chịu khó với nghề. Đồ họ mua là giấy báo loại, sắt thép vụn, chai lọ sành, bao bì ni lông, vỏ lon bia… Công cụ lao động của họ cũng rất đơn giản. Chỉ một chiếc xe đạp cà tàng, hai cái sọt đằng sau và cũng có khi họ chỉ đi bộ với đôi quang gánh cũ kỹ. Đến cuối ngày, họ tập trung tại các điểm thu mua ve chai, bán lại những thứ đã mua được để kiếm lời. Cứ thế, chuỗi ngày mưu sinh nhiều cực nhọc của những con người lam lũ đã vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về cuộc sống mưu sinh của những người lao động nghèo.
 

Mỗi ngày các chị đi vài ba chục cây số. Hôm nào may mắn mua được nhiều cũng kiếm được 40 - 50 ngàn đồng, còn không thì rao mỏi miệng cũng về tay không.

Quẹt vội giọt mồ hôi đang chảy dài trên mặt, chị Tình (trọ tại xã Biển Hồ-TP. Pleiku) vui vẻ nói cười vì vừa thu mua được của chủ quán tạp hóa hai sọt đầy lon bia. Hôm nay là một ngày mà chị gọi đó là ngày may mắn. Chị kể: “Hôm nay công nhận tốt ngày thiệt ! Vừa đi một đoạn đã thu được nhiều như thế này rồi. Cũng may là mình đi sớm chứ không người khác mua mất rồi. Khu này nhiều người mua ve chai lắm. Lời lãi không bao nhiêu nhưng cũng đủ cho chi phí tiền trọ và ba bữa ăn trong ngày”.

Chị Tình quê ở huyện Krông Pa. Vì cuộc sống khó khăn nên chị lên tp. Pleiku kiếm kế sinh nhai. Chị sống với nghề mua bán ve chai đã hơn 5 năm. Công việc của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng, đạp xe từ phòng trọ đến các con hẻm sâu trong phố để mua ve chai. “Vì tôi sống một mình nên thu nhập từ việc mua bán ve chai cũng đủ cho tôi trang trải cuộc sống của mình. Cứ có công việc cho mình sáng đi, chiều về là vui rồi. Phấn đấu dành dụm chút ít để sau này lo cho cuộc sống của mình lúc già yếu”- chị Tình cho biết thêm.

 

Không được thoải mái với nghề như chị Tình, bà Can (phường Hội Thương-TP. Pleiku) đến với nghề ve chai vì nghề này không cần đến vốn nhiều. Nhà nghèo, con cái lại đang tuổi ăn tuổi học, một mình chồng đi làm thợ hồ không đủ trang trải cuộc sống, nên bà chọn nghề này để thêm thu nhập. “Những ngày đầu quảy gánh đi bộ dọc mấy con hẻm, rồi rao “Ai ve chai hông?” tui cũng ngại lắm. Nhiều hôm đi về tay không vì cứ rụt rè không dám hỏi người ta. Nhưng riết rồi cũng quen, nghề nào kiếm được đồng tiền mà không cực. Cứ nghĩ tới mấy đứa con là lại có động lực mà vượt qua”- bà Can tâm sự. Mỗi ngày, bà Can kiếm được 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng, phần nào đỡ đần chồng phụ lo cho gia đình. Những ngày ế ẩm, không mua được nhiều, bà lại đi bới móc những thùng rác công cộng để nhặt phế liệu. Quang gánh càng cồng kềnh, phế liệu càng nhiều thì đồng nghĩa với việc thu nhập ngày đó của bà càng khá.

Dáng người nhỏ bé nhưng gương mặt lại già dặn vì sương gió, chị Hạnh luôn đối diện với sự khó nhọc của nghề ve chai. Quê chị ở Phú Yên. 5 năm về trước cuộc sống gia đình chị rất đầm ấm và sung túc thì bỗng chốc người chồng bị bệnh hiểm nghèo và qua đời để lại cho chị 4 người con. Chị đã cùng một số người  thân lên Gia Lai đi buôn bán ve chai để nuôi con ăn học. Từ chỗ không biết đường đi nơi phố thị, đến nay chị thạo đường không thua gì mấy bác xe ôm. Mỗi ngày chị Hạnh đi vài ba chục cây số. Hôm nào may mắn mua được nhiều cũng kiếm được 100 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng, còn không thì cũng về tay trắng.

Vất vả là vậy nhưng những ai gắn bó với nghề này đều rất ái ngại vì nhiều rủi ro luôn rình rập, như: không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại. “Nghề ve chai cũng rất nguy hiểm vì người nào không cẩn thận rất dễ mắc bệnh do thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải. Chưa kể lúc bị đứt chân, đứt tay do đụng phải những mảnh sắt vụn hoen gỉ, thậm chí còn bị kim tiêm đâm vào tay. Vậy mà nhiều lúc cũng tủi thân vì nhiều người nhìn vào chúng tôi với ánh mắt e dè khi thấy quần áo chúng tôi cáu bẩn, lấm lem”-chị Trần Thị Liên (quê Bình Định) chia sẻ.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.