"Một trăm tiếng nói không bằng làn khói 67"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiếc Honda 67 màu đỏ, sau yên buộc một thùng đồ lề chầm chậm lách qua dòng xe cộ rẽ vào con đường nhỏ ngay phía sau Bưu điện tỉnh, để lại sau lưng một vạt khói mỏng. Tiếng nổ giòn giã của loại “xe đàn ông” này rất đặc trưng, không thể trộn lẫn. Tuy chỉ là một phương tiện bình thường giữa vô vàn xe lưu thông trên đường, nhưng hình ảnh chiếc Honda 67 lại khiến không ít người chợt bâng khuâng nhớ về một thời kỳ đã qua.

Hình ảnh những người đàn ông mặc quần ống loe, đi dép tông Lào “cưỡi” trên những chiếc honda 67 tạo nên hình ảnh mạnh mẽ, phong trần hẳn đã làm xao xuyến trái tim bao cô gái trẻ. Đó là vào những năm 70-80 thế kỷ trước-thời kỳ chiếc xe không chỉ là một phương tiện, nó còn là một tài sản, một món trang sức của cánh mày râu. Anh Nguyễn Bá Quốc-59 Cù Chính Lan (TP. Pleiku) bâng khuâng nhớ lại: “Năm tôi 21 tuổi (khoảng những năm 1990), ba tôi nói sẽ cho tôi đất làm nhà, chuẩn bị ra riêng là vừa. Tôi thành thật nói với ông, tôi không cần đất đai hay nhà cửa, chỉ muốn ba cho chiếc Honda 67 ba đang chạy. Khỏi cần nói tôi đã sung sướng thế nào khi ông chấp thuận. Ước mơ bấy lâu cuối cùng cũng thành hiện thực”.

 

Một buổi “trình diễn” của Hội xe 67 Pleiku. Ảnh: Lê Anh
Một buổi “trình diễn” của Hội xe 67 Pleiku. Ảnh: Lê Anh

Anh Quốc cho rằng, không chỉ riêng anh mà đó là ước mơ của tất cả các chàng trai thời đó. Bởi để sở hữu một chiếc Honda 67 phải là những gia đình khá giá, những “đại công tử” trong các gia đình tiếng tăm. Gia đình anh buôn heo nên cũng thuộc dạng có điều kiện. Ba anh sở hữu chiếc Honda 67 từ lúc nó vừa được du nhập về Việt Nam. Thời kỳ đó nhiều gia đình còn chưa có cả xe đạp để đi. Chiếc xe không chỉ là phương tiện mà trở thành tài sản quý.

Anh Quốc nhắc nhớ nhiều chuyện thân thương gắn với chiếc xe kỷ niệm: “Hồi nhỏ, mỗi lần được ba đặt ngồi trên bình xăng phía trước chở đi dạo phố, tôi thấy lòng phơi phới, hãnh diện lắm. Nhất là hình ảnh ba ngồi chiếc 67 rất mạnh mẽ, đàn ông khiến tôi mê xe ngay từ bé. Khi chính thức sở hữu nó, nhiều lúc tôi vẫn còn không dám tin. Tôi chăm chút xe còn hơn bản thân, xe lúc nào cũng sạch bong, bóng loáng, lau nhiều đến nỗi hàng xóm phải quở. Tôi nhớ có một hôm xe ba tôi bị hư, ông nói sẽ mượn xe của tôi đi chở heo. Tôi không dám cãi lời nhưng đứng nhìn theo ba mà hai hàng nước mắt chảy dài”.  

Những chàng trai đi xe 67 thường ăn mặc thời thượng, đúng mốt, vì thế trở thành hình mẫu lý tưởng của các cô gái. Anh Quốc nhấn mạnh: “Những năm 80-90, có hai yếu tố để những chàng trai đi xe 67 trở nên cuốn hút, “có giá” trong mắt phái nữ, thứ nhất nhìn nam tính, đàn ông, thứ hai là con nhà khá giả. Vì thế, chiếc Honda 67 nhiều khi còn trở thành phương tiện “cua gái” mà không tốn lời, tốn sức. Chỉ cần đến nhà một cô gái nào đó, dù nàng có rất nhiều vệ tinh nhưng khi nhìn thấy một chàng trai đi Honda 67 tới thì tự động rút lui”.

Có nhiều kỷ niệm với dòng xe đánh dấu một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử xe cộ, bà Nguyễn Thị Tỵ-143 Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku) bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó có chiếc 67 là sang nhứt hạng, tất nhiên cũng dễ tán gái hơn, nên có câu “một trăm tiếng nói không bằng làn khói 67” là vậy. Chúng tôi mua được chiếc xe này vào những năm 1969-1970 gì đó, khoảng 6 cây vàng. Mỗi lần hai vợ chồng chở nhau đi ngoài đường, người ta nhìn theo mỏi cổ. Có năm chúng tôi chạy xe về quê ở An Nhơn-Bình Định ăn Tết, bà con chòm xóm túa ra coi còn hơn ô tô về làng”.

 

Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh

Nhiều gia đình hiện vẫn còn gìn giữ chiếc xe 67 cho tới tận bây giờ. Đó không chỉ là một phương tiện, mà còn là chiếc xe kỷ niệm, nhắc nhớ về một thời kỳ lịch sử. Anh Nguyễn Bá Quốc kể: “Những năm sau giải phóng, người ta đi buôn chuối rất nhiều. Tôi nhớ nhất hình ảnh những chiếc 67 chở chuối từ các làng dân tộc thiểu số về phố, đi đằng sau chỉ thấy chuối chứ không thấy xe, thấy người. Còn giới trẻ sở hữu 67 tối đến thường tập trung ở ngã ba Phù Đổng, sau đó làm một màn diễu hành, không thấy xe nhưng chỉ cần nghe tiếng máy nổ như trực thăng là biết có đoàn 67 đang đi trên phố”.

Sở hữu chiếc Honda 67 màu đỏ đến nay chẵn 25 năm, anh Quốc cho hay, dù chiếc xe bây giờ chỉ là một phương tiện bình dân nhưng anh vẫn hết sức gìn giữ, nâng niu. “Đây là chiếc xe “rin” được sử dụng từ lúc mua về cho tới giờ, vì thế dân chơi xe cổ nhiều người rất thích. Nhưng dù có trả giá cao đến mấy tôi cũng không bán. Hơn nữa, đây còn là vật kỷ niệm của ba tôi để lại nên nó càng có ý nghĩa”- anh Quốc nói.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.