Một sự kiện có thể nhiều người chưa biết đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tôi trở lại An Khê, đầu tiên là để thắp cho đồng đội mình nén nhang ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã, nơi có hàng chục người trước đây cùng sống, chiến đấu với tôi; sau là thăm một số anh chị em, bạn bè cùng đơn vị thuở trước may mắn hơn nhiều đồng đội khác, trở về sau cuộc chiến và hiện đang định cư ở đây. Trong cuộc trò chuyện với mọi người, được biết, gần đây lãnh đạo thị xã An Khê đã cho xây dựng và cải tạo, nâng cấp một số ngôi mộ chung và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn. Tôi ngỏ ý muốn đến viếng các liệt sĩ ở những nơi đó. Và nguyện vọng của tôi được đáp ứng.

Đó là nơi nằm lại của 49 liệt sĩ trong một ngôi mộ chung ở đèo Dốc Lá, xã Tú An. Đây là nơi yên nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 365 (Trung đoàn 803, Liên khu 5) hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thủy đêm 12 rạng ngày 13-1-1953-trận đánh mở màn cho chiến dịch An Khê. Đèo Dốc Lá, nơi tiếp giáp giữa vùng Pháp tạm chiếm (thuộc An Khê, Gia Lai) và vùng tự do của ta (Bình Khê, Bình Định). Nơi đây được chọn làm trạm phẫu tiền phương cho chiến dịch Đông Xuân 1952-1953 ở địa bàn An Khê. Theo một số tài liệu mà người viết có được, lúc bấy giờ, An Khê được coi là vị trí có tầm quan trọng, là bức bình phong án ngữ quốc lộ 19, là bàn đạp của giặc Pháp uy hiếp phía Tây Bình Định-vùng tự do của ta. An Khê cũng là nơi xuất phát của bọn biệt kích, thám báo phá hoại các căn cứ miền Tây Liên khu 5. Hệ thống cứ điểm của địch bố trí ở đây dày đặc.

 

Bia tưởng niệm đèo Dốc Lá, xã Tú An. Ảnh: B.H
Bia tưởng niệm đèo Dốc Lá, xã Tú An. Ảnh: B.H

Do vậy, tháng 10-1952, Hội nghị Liên khu ủy 5 lần thứ 3 thông qua chủ trương mở chiến dịch Đông Xuân 1952-1953, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích; trọng điểm chiến dịch của quân chủ lực là vùng An Khê. Thời gian của quân và dân ta chuẩn bị cho chiến dịch này khá lâu, chiến trường trải khắp địa bàn An Khê, từ phía Bắc đường 19 đến hầu hết các đồn bốt của địch ở các xã Bắc và Đông Bắc thị trấn An Khê. Tuy nhiên, chiến dịch lại chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng. Kết thúc chiến dịch, theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) thì ta đã tiêu diệt 6 đại đội địch, bắt sống 326 tên, thu 900 súng, có 1 đại bác 105 ly, 15 đại liên, 39 trung liên, 30 tấn đạn và nhiều quân trang, quân dụng; giải phóng hoàn toàn 4 xã phía Đông Bắc An Khê và xã Nam Ka Nak.

Nhằm đảm bảo thắng lợi như mục tiêu đã nói trên, Quân ủy Liên khu 5 và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tung ra 3 trung đoàn (có Trung đoàn 120 địa phương), 1 tiểu đoàn độc lập, ngoài ra còn có gần 4 vạn dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch. Theo tài liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực của mình cùng lực lượng vũ trang địa phương hoạt động trên địa bàn do Bộ Tư lệnh Liên khu trực tiếp chỉ huy.

Cũng theo tài liệu nói trên, thắng lợi của chiến dịch An Khê lúc bấy giờ là chiến thắng lớn nhất của ta trong chống Pháp tính đến đầu năm 1953 trên chiến trường Nam Trung bộ, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên khu 5, đây cũng là lần đầu một chiến dịch mà ta đã phối hợp cả 3 thứ quân, phối hợp chiến trường toàn Liên khu, diệt nhiều đại đội địch, thu nhiều vũ khí, làm thất bại âm mưu “bình định” vùng Tây Nguyên của địch. Thắng lợi của chiến dịch An Khê đã vượt phạm vi Đông Dương. Tin bại trận làm xôn xao dư luận nước Pháp, Bộ trưởng Các quốc gia liên kết Letuocno phải tường trình trước nội các Pháp về thất bại này. Sau chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: “Thắng lợi này, chứng tỏ các đồng chí đã tiến bộ về chính trị cũng như về kỹ thuật sau thời kỳ chỉnh huấn, đặc biệt kỹ thuật đánh điểm nhỏ, viện nhỏ”-(Quân đội Nhân dân Việt Nam-Biên niên sử, NXB QĐND, HN năm 2002, tr 117).

Là một trong các chiến dịch tuy ngắn ngày nhưng giành được thắng lợi lớn. Tuy nhiên, để giành được thắng lợi, quân và dân ta cũng phải đổi lấy bằng máu xương. Ngoài 49 cán bộ, chiến sĩ nằm lại trong ngôi mộ chung lưng chừng đèo Dốc Lá, còn có hàng trăm đồng đội và những người làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến, phục vụ cho chiến dịch đã ngã xuống, cho đến ngày nay, sau hơn 65 năm mà chúng ta chưa thể tìm ra nơi các anh, chị an nghỉ. Sau khi thua trận, địch điên cuồng trả thù, chúng mở nhiều trận càn quét, đánh phá, nống lấn ra vùng ta vừa giải phóng và cả những khu căn cứ quan trọng của ta. “Địch phản ứng, cho máy bay ném bom, càn quét, đốt nhà, cướp phá lương thực, tài sản của nhân dân vùng mới được giải phóng. Nhân dân làng Tú Thủy, An Xuân, Cửu Đạo, Cửu Định và 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng phải lánh ra rừng... Đời sống của nhân dân (lúc bấy giờ) rất khó khăn...”-(Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, 1945-2005, NXB CTQG, HN 2009, tr 236). Một trong những trang sử oai hùng của quân dân Liên khu 5 nói chung, Gia Lai nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một sự kiện chấn động cả nước Pháp, nhưng cho đến ngày nay, tôi e rằng chưa được nhiều người, nhất là lớp trẻ biết đến, đó là điều đáng quan tâm!

An Khê, cho đến ngày nay vẫn là nơi được xác định vùng kinh tế trọng điểm phía Đông của tỉnh, cửa ngõ của Bắc Tây Nguyên với vùng Nam Trung bộ, nơi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, đây là vùng có tiềm năng phát triển ngành “công nghiệp không khói” với hàng loạt di chỉ khảo cổ học, lịch sử đấu tranh qua các thời kỳ giữ nước. An Khê cũng là vùng văn hóa giao thoa giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên vùng đất Thượng và Hạ đạo. Trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, biết bao nhiêu đồng bào, đồng chí đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất thiêng. Do đó, thiết nghĩ các thế hệ lãnh đạo, quản lý ngày nay cần đặc biệt quan tâm, không chỉ đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn nghĩ đến việc xây dựng hạ tầng phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa kết hợp tham quan du lịch tâm linh... Đó cũng là cách để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

(GLO)- Thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã được triển khai một cách hiệu quả. Đây là giải pháp hữu hiệu để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong dân, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.